‘Thuận mua vừa bán’ căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch trong vụ xét xử bà Sáu Phấn?

Phiên tòa xét xử bà Hứa Thị Phấn và đồng phạm

‘Thuận mua vừa bán’ căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch trong vụ xét xử bà Sáu Phấn?

Tại phiên tòa xét xử bà Hứa Thị Phấn và đồng phạm chiều ngày 25/05, luật sư Nguyễn Thị Thanh Thảo bào chữa cho bị cáo Bùi Thị Kim Loan - Nguyên Kế toán Công ty Phú Mỹ cho rằng hành vi mua bán căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch là “thuận mua vừa bán”.

Cụ thể, luật sư Nguyễn Thị Thanh Thảo hoàn toàn đồng thuận với quan điểm của luật sư Trương Vĩnh Thủy, luật sư Trương Thị Minh Thơ, luật sư Lưu Văn Tám và luật sư Nguyễn Đình Viếng trong phần tranh luận về hành vi Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt số tiền 1,105 tỷ đồng liên quan đến chuyển nhượng căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch và hạch toán thu chi khống gây thiệt hại cho Ngân hàng Đại Tín 5,256 tỷ đồng.

Luật sư cho rằng, theo kết luận điều tra, cáo trạng luận tội của VKS là không chính xác. Cáo trạng luận tội của VKS nhận định bị cáo Loan có vai trò đồng phạm giúp sức tích cực cho bị cáo Phấn, quá trình điều tra khai báo có trả lời quanh co, giúp bà Phấn tẩu tán tài sản, cản trở việc điều tra và thu hồi tài sản. Mặc dù đang mang thai con thứ 3, cơ quan điều tra đã thay thế biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú thành biện pháp bắt tạm giam bị can.

Phiên tòa xét xử ngày 25/05.

Về căn nhà số 5 Đoàn Kết, luật sư cho biết đây là tài sản đứng tên sở hữu chung của vợ chồng bị cáo Loan và bà Lê Thị Sương, là tài sản thế chấp vay vốn. Do khoản vay quá hạn không có khả năng thanh toán nên ngân hàng Nông nghiệp đã thu hồi nợ. Tại tòa, đại diện Agribank và người mua nhà số 5 Đoàn Kết là bà Nguyễn Thị Thu Hiền trình bày việc mua bán căn nhà này có điều kiện và được Agribank thu xếp thu hồi nợ, tiền bán căn nhà này được người mua chuyển thẳng tài khoản Agribank để thu hồi nợ, vợ chồng bà Loan không được thụ hưởng từ việc mua bán này. Việc ban hành tống đạt khởi tố bị can bà Loan là sau khi việc mua bán căn nhà số 5 Đoàn Kết đã hoàn thành, tuy nhiên, cáo trạng lại kết luận vợ chồng bà Loan ký bán tẩu tán giúp bà Phấn căn nhà số 5 Đoàn Kết sau khởi tố bị can 7 ngày, chứng tỏ việc điều tra ngay từ đầu đã không được thực hiện đúng.

Luật sư yêu cầu làm rõ 3 vấn đề. Thứ nhất, việc ban hành khởi tố bà Loan là bảo mật, nên vợ chồng bà Loan hay tổ chức không có thẩm quyền không thể biết thời gian và nội dung bà Loan bị khởi tố. Vậy cơ sở đâu để cáo trạng xác định bị cáo tẩu tán tài sản cho bà Phấn?

Thứ hai, việc tìm khách hàng mua nhà số 5 Đoàn Kết để thu hồi nợ quá hạn là do Agribank chủ động xử lý.

Thứ ba, toàn bộ số tiền bán số 5 Đoàn Kết đều do Agribank chuyển khoản trả nợ, bà Loan và chồng không thừa hưởng số tiền này.

Luật sư nhận định cáo trạng và kết luận điều tra không chính xác.

Theo luật sư, toàn bộ nội dung kết luận điều tra và cáo trạng đều quy buộc trách nhiệm cho bà Phấn và bà Loan với vai trò đồng phạm tích cực. Nhưng bà Phấn không thể tham gia tòa do bệnh nặng, nếu bà Loan vắng mặt thì việc tự bào chữa cho mình sẽ không chính xác.

Luật sư đánh giá kết luận điều tra cho thấy bị cáo trả lời quanh co, mục đích cản trở điều tra, mang theo con nhỏ chưa đầy tháng đến tòa nhưng lúc đó hoàn cảnh bị cáo khó khăn, sinh con khi lớn tuổi, tinh thần lo âu. Chồng bị cáo mắc bệnh tâm thần chuyển biến theo chiều hướng xấu.

Luật sư mong HĐXX xem xét  2 vợ chồng bà Loan đều làm công ăn lương, không thân thuộc với bà phấn. Các chuyến đi du lịch Hàn Quốc, Trung Quốc với Công ty Phương Trang không có mặt 2 vợ chồng bị cáo Loan, bị cáo vẫn phải ở nhà thuê. Điều này chứng tỏ bị cáo không thân cận với bà Phấn như cáo trạng. Vì sao bà Loan luôn bị các cháu của bà Phấn đổ hết trách nhiệm?

Các cơ quan tố tụng chưa xem xét đề nghị bào chữa của bị cáo Loan. Bị cáo có nộp đơn khiếu nại với lý do sức khỏe không được tốt nhưng vẫn không được xem xét.

Về nhân thân bị cáo Loan, trong hợp đồng lao đồng thể hiện bị cáo là nhân viên kế toán Công ty Phú Mỹ và kế toán của bà Phấn trong khi trong hợp đồng lao động ghi là nhân viên kế toán. Vậy căn cứ nào cáo trạng nói bị cáo là thư ký của bà Phấn, bà Phấn đã xác nhận chưa? Không thể căn cứ lời khai 1 chiều theo các bị cáo.

Việc lấy cung các bị cáo, luật sư đưa ra những chứng cứ điều tra viên đã làm sai vi phạm luật tố tụng. Biên bản lấy cung của bị cáo Loan không có luật sư tham gia phản ánh bị cáo có sức khỏe tốt, minh mẫn trong khi bị cáo đang trong giai đoạn ốm nghén. “Cơ sở đâu để xác định các lời khai này là khách quan?”, luật sư Thảo đặt vấn đề.

Đối với việc mua bán căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch, luật sư đặt nghi vấn con số chiếm đoạt 1,105 tỷ đồng trong khi số tiền mua bán là 1,260 tỷ đồng, vậy 1,105 tỷ đồng từ đâu mà có và xuất hiện khi nào? Nếu như căn cứ vào cáo trạng, tại thời điểm xảy ra hành vi chiếm đoạt thì khách thể và đối tượng bị chiếm đoạt chưa tồn tại thì lấy đâu ra hành vi xâm hại? Khách thể là quan hệ sở hữu số tiền 1,105 tỷ đồng của Trustbank.

Tại thời điểm tháng 5/2017 thì khách thể mới xuất hiện đó là Ngân hàng Xây dựng (tiền thân của Ngân hàng Đại Tín, nay là CB) thuộc quyền sở hữu của Nhà nước. Tại sao Ngân hàng Xây dựng không yêu cầu bồi thường thiệt hại mà đòi hoàn trả, bởi thực tế Ngân hàng Xây dựng không có thiệt hại, luật sư tiếp tục đặt nghi vấn.

Luật sư cho rằng hành vi mua bán căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch là trường hợp ‘thuận mua vừa bán”. Bà Phấn bán căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch cho Ngân hàng Xây dựng và thời điểm đó Trustbank đã cập nhật sang tên chủ sở hữu trên giấy chứng nhận. Sau đó đến Ngân hàng Xây dựng đều cập nhật biến đổi sở hữu, do vậy việc chuyển quyền sở hữu này là hợp pháp. Do vậy, theo cả luật cũ và luật mới, luật sư Thảo cho rằng hành vi chuyển quyền sở hữu này không vi phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

* Xét xử bà Hứa Thị Phấn: Việc mua bán căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch chỉ là hình thức

* Đề nghị định giá lại căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch trong vụ xét xử bà Hứa Thị Phấn

* 'Đằng sau' căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch trong vụ xét xử bà Hứa Thị Phấn

Hàn Đông

FILI