Eximbank: "Không nên ký khống các chứng từ rút tiền và giao cho nhân viên ngân hàng để tránh rủi ro"

Eximbank: "Không nên ký khống các chứng từ rút tiền và giao cho nhân viên ngân hàng để tránh rủi ro"

Sau vụ việc khách hàng mất tiền tại PGD Đô Lương, Eximbank cho biết đã cải tiến nhiều quy trình, quy định liên quan đến tiền gửi tiết kiệm. Đồng thời, nhà băng này cũng đề nghị khách hàng không ký khống trước các chứng từ rút tiền và giao cho nhân viên ngân hàng dưới bất kỳ hình thức nào để tránh rủi ro không đáng có.

Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank, HOSE: EIB) vừa phát đi thông báo nêu lên quan điểm của ngân hàng liên quan đến vụ việc của 6 khách hàng tại PGD Đô Lương - Chi nhánh Eximbank Vinh đang được xét xử tại tòa án Nghệ An ngày 13/07/2018.

Eximbank cho biết, từ khi vụ việc xảy ra, ngân hàng luôn chủ động tìm giải pháp để cùng khách hàng đi đến một thỏa thuận phù hợp.

Từ vụ việc này, Eximbank đã cải tiến các quy trình, quy định liên quan đến tiền gửi tiết kiệm như: thông báo tin nhắn tự động ngay cho khách hàng trong trường hợp số dư tiền gửi thanh toán, tiền gửi tiết kiệm có biến động; khách hàng có thể tự kiểm tra số dư tiền gửi bất kỳ thời điểm nào qua việc tra cứu qua Internet Banking, Mobile Banking; xác thực bằng dấu vân tay khi khách hàng ủy quyền việc rút tiền cho người khác,.… Ngoài ra, Eximbank cũng đề nghị khách hàng không ký khống trước các chứng từ rút tiền và giao cho nhân viên ngân hàng các chứng từ này dưới bất kỳ hình thức nào để tránh rủi ro không đáng có.

Theo cáo trạng, từ năm 2012 đến tháng 8/2016, bà Nguyễn Thị Lam - cán bộ kiểm ngân Eximbank Đô Lương - đã có hành vi lừa dối để khách hàng ký vào lệnh chi, ký khống ủy nhiệm chi, giả mạo chữ ký của khách hàng. Quá trình điều tra làm rõ, bà Lam đã rút ra khỏi hệ thống Eximbank số tiền hơn 50 tỷ đồng là số tiền chiếm đoạt của 6 khách hàng gửi tiết kiệm tại đây.

Tại cơ quan công an, bà Lam khai nhận sau khi rút thành công số tiền trên đã chuyển vào tài khoản của bạn bè, người thân. Ngoài ra, bà dùng số tiền chiếm đoạt được để mua xe, mua nhà, cho vay và tiêu dùng cá nhân. Sau khi sự việc bị vỡ lở, bà Lam đã trả lại 4.7 tỷ đồng cho khách hàng.

Đến nay, Eximbank đã tạm ứng 32.2 tỷ đồng cho hai khách hàng. Sau khi nhận lại tiền, ông Nguyễn Tiến Nam (ngụ huyện Đô Lương, Nghệ An) đã gửi lại 10 tỷ đồng tại Eximbank chờ phán quyết của toà án.

* Đề nghị tù chung thân nhân viên Eximbank chiếm đoạt 50 tỉ đồng

Vũ Hạ

FILI