FPT chi khoảng 50 triệu USD mua 90% cổ phần Công ty Intellinet của Mỹ

FPT chi khoảng 50 triệu USD mua 90% cổ phần Công ty Intellinet của Mỹ

Với mục tiêu cung cấp những giá trị cao hơn cho khách hàng trên phạm vi toàn cầu và mở rộng hơn nữa quy mô hoạt động tại thị trường Mỹ, FPT đã mua 90% cổ phần của Intellinet Consulting (Intellinet), một trong những công ty tư vấn công nghệ có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất tại Mỹ.

Theo CTCP FPT (HOSE: FPT), thương vụ này sẽ giúp Công ty cung cấp các dịch vụ công nghệ tổng thể từ khâu tư vấn chiến lược, thiết kế đến triển khai, bảo hành bảo trì, đặc biệt trong các dự án chuyển đổi số. Sự kết hợp giữa thế mạnh của FPT và Intellinet cũng giúp FPT đẩy mạnh hoạt động tại thị trường Mỹ cũng như giúp Intellinet trở thành công ty tư vấn toàn cầu.

Được biết, giá trị thương vụ tương đối linh hoạt và không cố định. Giá trị thương vụ được xác định dựa trên định giá gấp 10 lần EBITDA. Tại thời điểm bây giờ, FPT trả 30 triệu USD, phần còn lại sẽ dựa trên kết quả kinh doanh của Intellinet trong vòng 3 năm tới. Do đó, tổng giá trị thương vụ có thể khoảng 45-50 triệu USD.

FPT chỉ mua 90% mà không thâu tóm hoàn toàn do đối tác cũng muốn tham gia cùng FPT để cùng nhau hướng tới một chiến lược cung cấp giá trị cao hơn trong bối cảnh hot về chuyển đổi số.

Về việc vì sao FPT chọn Intellinet và ngược lại, FPT cho biết, Intellinet có các chuyên gia với 20-30 năm làm việc trong ngành công nghiệp ấy như tài chính ngân hàng, hàng không bán lẻ, các ngành công nghiệp… Hai bên kết nối lại có thể cung cấp được giải pháp mà khách hàng mong muốn, hay dịch vụ chuyển đổi số tổng thể cho khách hàng từ A-Z.

Còn Intellinet cho biết đã tìm hiểu nhiều công ty khác nhau, điều xem xét đầu tiên là văn hóa, thứ 2 là giá trị mà hai bên có thể đem lại cho khách hàng. Intellinet có quy mô nhỏ hơn FPT nhưng có thể tư vấn cho khách hàng lộ trình chuyển đổi số.

Với thương vụ này, FPT kỳ vọng giá trị cộng hưởng cao, tính mục tiêu doanh thu chuyển đổi số của Tập đoàn tăng trưởng khoảng 50%/năm. FPT có thể tăng trưởng mức này gấp rưỡi cho đến gấp đôi sau khi có sự hợp tác với Intellinet.

Riêng trong năm 2017, doanh thu chuyển đổi số riêng trong mảng xuất khẩu của FPT khoảng 50 triệu USD. FPT cho biết, doanh thu thị trường Mỹ năm 2017 khoảng 65 triệu USD, nếu cộng cơ học vào thì kỳ vọng trong vòng 12 tháng tới (tính từ tháng 7/2018, thời điểm mua Intellinet đến hết tháng 6/2019) có thể đạt mốc 100 triệu USD. Hiện FPT chưa kỳ vọng tăng trưởng đột biến về lợi nhuận tuy nhiên sau thời gian 6-12 tháng có thể nâng biên lợi nhuận ròng của thị trường Mỹ lên đạt mức 20%.

Mỹ là thị trường xuất khẩu phần mềm lớn thứ hai của FPT. Trong năm 2017, thị trường này đã mang về cho FPT 50 triệu USD, tăng trưởng 17% so với năm 2016. Tại Mỹ, FPT đang cung cấp dịch vụ cho khoảng 200 khách hàng trong các lĩnh vực hàng không vũ trụ, y tế, ngân hàng - tài chính, viễn thông, ô tô….

Xuất khẩu phần mềm là động lực tăng trưởng quan trọng của FPT. Trong nhiều năm qua, doanh thu từ mảng hoạt động này của FPT luôn tăng trưởng trung bình trên 30%/năm và dự kiến sẽ đóng góp 50% vào tổng doanh thu của Tập đoàn. Trong 5 tháng đầu năm 2018, doanh thu mảng xuất khẩu phần mềm của FPT đạt 2,869 tỷ đồng, tăng 27% so với cùng kỳ, chiếm 34% tổng doanh thu của toàn Tập đoàn.

Sau khi mua lại, thương hiệu của Intellinet sẽ được giữ nguyên và hoạt động độc lập. Riêng Hội đồng quản trị của Intellinet có sự thay đổi với 4 thành viên của FPT và 1 thành viên của Intellinet; Ban điều hành giữ nguyên và bổ sung thêm 1 thành viên của FPT. Và trong ngắn hạn FPT chưa tính tới việc niêm yết công ty này tại Mỹ. Mục tiêu sắp tới FPT sẽ tiếp tục xem xét các thương vụ M&A tại Nhật Bản và châu Âu.

Thành lập từ năm 1993, với doanh thu 30 triệu USD năm 2017, Intellinet được Consulting Magazine đánh giá là một trong những công ty tư vấn công nghệ có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất tại Mỹ (dựa trên tăng trưởng doanh thu giai đoạn 2013-2016).  Intellinet có trụ sở chính tại Atlanta (Mỹ), hoạt động trong lĩnh vực tư vấn công nghệ với 150 chuyên gia tư vấn có kinh nghiệm chuyên sâu và 200 khách hàng lớn, trong đó có nhiều khách hàng trong danh sách Fortune 500.

Hoàng Nguyên

Fili