Liệu diễn biến chứng khoán tháng 9/2015 có lặp lại?

Liệu diễn biến chứng khoán tháng 9/2015 có lặp lại?

Những diễn biến gần đây của thị trường chứng khoán bắt đầu có vẻ giống diễn biến của 3 năm trước đây đến lạ kỳ.

Trong cuộc điều trần trước Quốc hội Mỹ hồi tuần trước, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), Jerome Powell, nhận định, nền kinh tế Mỹ tăng đủ mạnh để tiếp tục nâng lãi suất một cách từ từ, ngay cả khi xuất hiện nỗi lo về các hậu quả bất lợi từ chiến tranh thương mại. Tuy nhiên, một số chuyên gia bắt đầu nhận thấy sự tương đồng của những diễn biến hiện tại với diễn biến của tháng 9/2015.

Đó là thời điểm đợt nâng lãi suất của Fed được nhiều người dự báo từ trước đã không thành hiện thực. Kinh hãi vì đà giảm mạnh của giá cổ phiếu Trung Quốc và sự mất giá của đồng Nhân dân tệ trong tháng 8/2015, Fed đã quyết định giữ nguyên lãi suất ở gần mức 0%. Liệu diễn biến này có xảy ra một lần nữa hay không khi Fed được đông đảo nhà đầu tư kỳ vọng nâng lãi suất lần thứ 8 trong chu kỳ thắt chặt hiện tại? Và điều này sẽ tác động gì tới thị trường tài chính?

Việc giữ nguyên chính sách tiền tệ tại thời điểm tháng 9/2015 cũng không thể châm ngòi cho đà tăng của thị trường tài chính. Thay vào đó, nó lại khiến nhà đầu tư hoảng sợ, bán ra cổ phiếu và đổ xô vào trái phiếu Chính phủ. Vậy thông tin gì tại thời điểm đó đã khiến Fed bất ngờ đưa ra quan điểm thận trọng?

Những diễn biến gần đây bắt đầu có vẻ giống diễn biến của 3 năm trước đây đến lạ kỳ. Đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc đã giảm mạnh trong vòng 2 tháng qua, khi dòng vốn tháo chạy vì nỗi lo sợ về các tác động tiêu cực của hàng rào thuế quan tới nền kinh tế Trung Quốc. Đồng Nhân dân tệ phá vỡ mốc 6.7 đổi 1 USD xuống mức thấp nhất trong hơn 1 năm vào ngày thứ Năm (19/07). Một số chuyên gia phân tích cho rằng, đồng Nhân dân tệ có thể sớm suy yếu xuống mức 7 đổi 1 USD. Cùng lúc đó, chỉ số Shanghai Composite đã rớt 14% trong vòng 8 tuần qua.

Nếu đà suy giảm của đồng Nhân dân tệ trở nên mất kiểm soát (như trong tháng 8/2015) thì có thể dẫn tới sự điều chỉnh mạnh trên thị trường cổ phiếu Mỹ và châu Âu vì đồng Nhân dân tệ yếu có thể ảnh hưởng tới lợi nhuận của các công ty phương Tây. Ngoài ra, nhà đầu tư cũng lo sợ tác động tiêu cực lên chi phí trả nợ của các chính quyền địa phương và các doanh nghiệp Nhà nước Trung Quốc.

Diễn biến ở Trung Quốc không phải là yếu tố duy nhất khiến Fed lo ngại. Trong tháng này, tâm lý người tiêu dùng đã giảm xuống mức thấp nhất trong 6 tháng vì lo ngại về hàng rào thuế quan, theo kết quả của cuộc khảo sát của Đại học Michigan công bố ngày 13/07/2018. Số liệu thống kê của Bộ Lao động Mỹ cho thấy thu nhập thực hàng tuần bình quân tăng “chậm như rùa bò”, từ mức 0.8% hồi tháng 6/2017 xuống còn 0.2% trong tháng 6/2018. Cả hai diễn biến trên có khả năng làm giảm tăng trưởng chi tiêu tiêu dùng, vốn chiếm tới 70% GDP Mỹ.

Bên cạnh đó, chênh lệch giữa lợi suất trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 2 năm và 10 năm giảm xuống còn 24 điểm cơ bản vào ngày 17/07/2018, mức thấp nhất trong 11 năm. Sự bằng phẳng hóa của đường cong lợi suất (yield curve) đã khiến nhiều chuyên gia lo ngại rằng một đợt nâng lãi suất nữa của Fed có thể khiến đường cong lợi suất bị đảo ngược, tức lợi suất kỳ hạn ngắn lại cao hơn lợi suất kỳ hạn dài. Sự đảo ngược của đường cong lợi suất được xem là chỉ báo hàng đầu về khả năng xảy ra suy thoái vào 1 năm sau đó.

Ngoài ra, việc theo dõi diễn biến thương mại trước cuộc họp tháng 9/2018 của Fed cũng khá quan trọng. Tổng thống Mỹ Donald Trump chưa có dấu hiệu sẽ lùi bước trong cuộc chiến thương mại với các đối tác thương mại, và các đối tác này cũng chuẩn bị đáp trả lại bằng biện pháp của chính họ. Harley-Davidson Inc. và General Motors Co. đã cho biết hàng rào thuế quan sẽ tác động tiêu cực tới lợi nhuận doanh nghiệp và điều này sẽ được phản ánh vào giá cổ phiếu của các doanh nghiệp.

Mặc dù lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 2 năm có khả năng gia tăng khi ông Powell dự báo nâng lãi suất thêm, nhưng nếu lỡ như Chủ tịch Fed thay đổi quan điểm vào phút chót và không nâng lãi suất nữa thì sẽ khiến lợi suất trái phiếu quay đầu giảm mạnh. Và thay vì thúc đẩy đà tăng của thị trường cổ phiếu, quyết định giữ nguyên lãi suất tại cuộc họp tháng 9/2018 có khả năng được xem là tín hiệu giảm giá.

* Bài viết thể hiện quan điểm của Komal Sri-Kumar, Chủ tịch kiêm nhà sáng lập của Sri-Kumar Global Strategies

Vũ Hạo (Theo Bloomberg)

FiLi