Nhân dân tệ phục hồi, Shanghai Composite tăng hơn 2%

Nhân dân tệ phục hồi, Shanghai Composite tăng hơn 2%

Phần lớn thị trường chứng khoán châu Á khởi sắc vào phiên giao dịch cuối tuần, khi đồng Nhân dân tệ suy yếu xuống mức đáy 1 năm trước khi xóa bớt đà giảm, trong đó nhà đầu tư cũng đang xem xét tới lời chỉ trích của Tổng thống Mỹ Donald Trump về Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

Đồng Nhân dân tệ xóa sạch gần hết đà sụt giảm trước đó về mức 6.7734 đổi 1 USD vào lúc 14h58 (giờ HK/SIN) tại Trung Quốc, sau khi có lúc suy yếu tới mức 6.8106 đổi 1 USD, phá vỡ cột mốc 6.8 lần đầu tiên trong hơn 1 năm qua. Đồng Nhân dân tệ ở nước ngoài được giao dịch ở mức 6.79 đổi 1 USD, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) đã thiết lập tỷ giá trung tâm chính thức ở mức 6.7671 trước khi thị trường mở phiên ngày 20/07, mức neo yếu nhất trong 1 năm qua, theo nguồn tin Reuters.

Đà hồi phục của đồng Nhân dân tệ diễn ra vào buổi chiều ngày thứ Sáu (20/07), khi các ngân hàng Nhà nước lớn nhảy vào để cứu đồng Nhân dân tệ bằng cách bán ra USD, Reuters ghi nhận.

Khép lại phiên ngày thứ Sáu (20/07), chỉ số Shanghai Composite của Trung Quốc tăng vọt 56.61 điểm (tương ứng 2.04%) lên 2,829.15 điểm, sau khi nhuốm sắc đỏ hồi đầu phiên. Chỉ số Shenzhen Composite cộng 1.13% và chỉ số blue-chip CSI tăng 1.89%.

“Những gì đang diễn ra trên thế giới không phải là đồng Nhân dân tệ yếu, mà là đồng USD mạnh”, ông Marc Chandler, Trưởng Bộ phận Chiến lược giao dịch ngoại hối tại Brown Brothers Harriman, chia sẻ trên chương trình “Squawk Box” của CNBC. Việc Fed nâng lãi suất cùng với nền kinh tế Mỹ mạnh là hai yếu tố đang thu hút dòng vốn ra khỏi thị trường mới nổi và tới với Mỹ, qua đó gây áp lực lên đồng Nhân dân tệ, ông cho hay.

Các thị trường khác trong khu vực cũng khởi sắc trở lại nhờ sự phục hồi của đồng Nhân dân tệ. Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông tiến 213.62 điểm (tương ứng 0.76%) lên 28,224.48 điểm khi nhóm cổ phiếu tài chính và tiện ích dẫn đầu đà leo dốc. Trong khi đó, lĩnh vực bất động sản cũng xóa bớt đà giảm đầu phiên.

Trên thị trường Hàn Quốc, chỉ số Kospi tiến 6.9 điểm (tương ứng 0.3%) lên 2,289.19 điểm sau khi dao động quanh ngưỡng tham chiếu. Cổ phiếu có tỷ trọng cao là Samsung Electronics tiến 1.17%, trong khi các cổ phiếu công nghệ lớn khác lại diễn biến trái chiều.

Ở Australia, chỉ số ASX cộng 0.37% lên 6,285.9 điểm khi phần lớn lĩnh vực đều tăng. Trong khi đó, lĩnh vực nguyên vật liệu giảm 1.06% sau khi giá kim loại cơ bản giảm mạnh trong đêm qua.

Diễn biến trên thị trường chứng khoán châu Á
Nguồn: CNBC

Đi ngược lại với xu hướng chung của thị trường, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản lùi 66.8 điểm (tương ứng 0.29%) và khép phiên ở mức 22,697.88 điểm. Các cổ phiếu thép cùng với kim loại không màu nằm trong nhóm giảm mạnh nhất, trong đó cổ phiếu JFE Holdings hạ 1.49% và Kobe Steel mất 2.3%.

Chỉ số MSCI khu vực châu Á-Thái Bình Dương (ngoại trừ Nhật Bản) tiến 0.6% vào lúc 14h55 giờ HK/SIN.

Đêm qua, chứng khoán Mỹ giảm điểm sau các báo cáo lợi nhuận đáng thất vọng và căng thẳng thương mại leo thang vì nhà đầu tư lo ngại rằng Liên minh châu Âu (EU) có thể áp thuế đáp trả đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ. Bên cạnh đó, nhà đầu tư cũng đang xem xét các nhận định của ông Trump về Fed.

Trong một lời chỉ trích hiếm hoi trong lịch sử, Tổng thống Mỹ Donald Trump thể hiện sự bực tức về Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và cho rằng cơ quan này có thể làm gián đoạn đà hồi phục kinh tế.

“Tôi không vui”, ông nói trong cuộc phỏng vấn với hãng tin CNBC trên chương trình “Squawk Box” vào lúc 6h (giờ ET). “Vì chúng ta đang đi lên và cứ mỗi lần nền kinh tế đi lên thì họ lại muốn nâng lãi suất. Tôi thực sự không vui vì điều này. Tuy nhiên, tôi cũng để họ làm những gì họ cảm thấy tốt nhất cho nền kinh tế”. “Thế nhưng, tôi không thích những việc này vì chúng có thể tác động tới những gì chúng tôi đang làm”.

Trong một tuyên bố sau cuộc phỏng vấn của ông Trump với CNBC, Nhà Trắng nhấn mạnh rằng Tổng thống Mỹ không có ý gây ảnh hưởng tới quá trình ra quyết định của Fed.

“Với thiên hướng hay phá vỡ truyền thống của ông Trump, chúng tôi không hề ngạc nhiên về các nhân định của Tổng thống Mỹ... Những nhận định này có khả năng làm gia tăng sự biến động của thị trường tài chính, ít nhất là lúc đầu”, ông Joseph Capurso, Chiến lược gia tiền tệ tại Commonwealth Bank tại Australia, cho biết trong một báo cáo.

Trên thị trường tiền tệ, chỉ số đồng USD – thước đo diễn biến của đồng bạc xanh so với các đồng tiền chủ chốt khác – ở mức 95.116 vào lúc 14h47 giờ HK/SIN.

Vũ Hạo (Theo CNBC)

FiLi