Vàng thế giới suy yếu tuần qua khi đồng USD tăng mạnh

Vàng thế giới suy yếu tuần qua khi đồng USD tăng mạnh

Các hợp đồng vàng tương lai giảm nhẹ trong ngày thứ Sáu (10/08), đồng thời ghi nhận đà sụt giảm trong tuần qua, khi đà tăng mạnh của đồng USD đã lấn át những lo ngại ngày càng tăng rằng cuộc khủng hoảng tiền tệ tại Thổ Nhĩ Kỳ có thể sẽ lan rộng, MarketWatch đưa tin.

Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Sáu, hợp đồng vàng giao tháng 12 hạ 90 xu (tương đương gần 0.1%) xuống 1,219 USD/oz. Hợp đồng này đã trồi sụt giữa đáy 1,213.10 USD/oz và đỉnh 1,224.90 USD/oz trong phiên. Tuần qua, vàng giảm 0.3%.

Theo CNBC, cũng trong ngày thứ Sáu, hợp đồng vàng giao ngay gần như đi ngang tại mức 1,212.24 USD/oz.

Các thị trường toàn cầu lao dốc sau khi Financial Times đưa tin rằng Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đang ngày càng lo ngại về khả năng bị tác động của các ngân hàng châu Âu đối với khủng hoảng tại Thổ Nhĩ Kỳ. Đồng Lira của Thổ Nhĩ Kỳ rớt xuống mức thấp nhất trong 1 năm so với đồng USD vào ngày thứ Sáu.

Đồng USD đã thu hút nhà đầu tư đổ xô vào trong ngày thứ Sáu như một kênh trú ẩn từ cuộc khủng hoảng kinh tế tại Thổ Nhĩ Kỳ và biến động thị trường đang khởi đầu tại Nga. Vàng cũng thường đóng vai trò là một tài sản trú ẩn an toàn trong những thời điểm thị trường toàn cầu biến động.

Tuy nhiên, thay vào đó, mối quan hệ nghịch chiều giữa vàng và đồng USD mạnh, vốn được thúc đẩy phần lớn nhờ vào sự gia tăng lãi suất của Mỹ so với các nền kinh tế chủ chốt khác, đã chiếm ưu thế trong thời gian gần đây và một lần nữa diễn ra trong ngày thứ Sáu.

Chỉ số đồng USD (ICE U.S. Dollar Index) – thước đo diễn biến của đồng USD so với 6 đồng tiền chủ chốt khác – tiến gần 1% lên 96.352 vào ngày thứ Sáu, chạm đỉnh 1 năm. Và lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm xuống 2.86%, một ngày sau khi ghi nhận phiên giảm mạnh nhất kể từ ngày 03/07/2018. Chứng khoán Mỹ khép phiên ngày thứ Sáu với sắc đỏ.

Marios Hadjikyriacos, Chiến lược gia thị trường tại XM, nhận định: “Vì vàng được neo giá theo đồng bạc xanh, đồng USD tăng mạnh làm kim loại quý trở nên kém hấp dẫn hơn đối với nhà đầu tư sử dụng những đồng tiền khác”.

Biến động thị trường tại Nga cũng góp phần vào bức tranh bất ổn toàn cầu. Các lệnh trừng phạt mới từ Mỹ đã tác động tiêu cực đến đồng tiền của Nga và nhóm cổ phiếu blue-chip khi quốc gia này đang đối mặt với những tổn thất kinh tế trong bối cảnh không chắc chắn về cam kết thực thi của Chính quyền ông Trump. Tại Moscow, đồng Rúp của Nga đã sụt 5% so với đồng USD trong ngày thứ Năm (09/08) và trung bình cổ phiếu đã lao dốc 9%.

Trong khi đó, vàng tăng nhẹ sau khi chỉ số lạm phát giá tiêu dùng tại Mỹ tăng mạnh hơn dự báo và cho thấy đà tăng đối với các điểm nóng kinh tế đặc biệt. Dữ liệu lạm phát đưa ra một kịch bản trái chiều đối với vàng. Trong ngắn hạn, lạm phát có thể hỗ trợ lộ trình nâng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), một động thái tiêu cực đối với vàng; trong dài hạn, vàng thường được xem là một kênh phòng ngừa khi lạm phát gia tăng.

Dữ liệu của Chính phủ cho thấy tỷ lệ lạm phát cơ sở 12 tháng tăng lên 2.4%, mức cao nhất kể từ tháng 9/2008. Các thị trường tài chính tiếp tục theo dõi bất kỳ bằng chứng nào có thể khiến Fed thay đổi kế hoạch nâng lãi suất thêm 2 lần trong năm nay và 3 lần vào năm tới. Dữ liệu CPI đã hỗ trợ các kế hoạch của Fed không thay đổi.

Trong số các kim loại trên sàn Comex, hợp đồng bạc giao tháng 9 lùi 1.1% xuống 15.295 USD/oz và giảm 1% trong tuần qua. Hợp đồng đồng giao tháng 9 mất 0.8% còn 2.7425 USD/lb. Tuần qua, hợp đồng này đã giảm 0.9%.

Hợp đồng bạch kim giao tháng 10 rớt 0.5% xuống 829.60 USD/oz. Hợp đồng paladi giao tháng 9 hạ 0.3% xuống 901.90 USD/oz. Tuần qua, hợp đồng bạch kim và hợp đồng paladi lần lượt giảm 0.9% và 1%.

Cũng trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu, chứng chỉ quỹ SPDR Gold Trust gần như đi ngang, trong khi chứng chỉ quỹ iShares Silver Trust lùi 0.8%.

Diễn biến giá vàng giao ngay 3 phiên vừa qua

Nguồn: Kitco

Diễn biến giá vàng giao ngay trên sàn New York

Nguồn: Kitco

An Trần

Fili