Cuộc chiến thương mại mang đến cho TCM nhiều đơn hàng từ thị trường Mỹ hơn

Cuộc chiến thương mại mang đến cho TCM nhiều đơn hàng từ thị trường Mỹ hơn

Đó là chia sẻ của ông Trần Như Tùng - Thành viên HĐQT CTCP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (HOSE: TCM) khi nói về tác động cuộc chiến tranh thương mại Mỹ – Trung lên ngành dệt may Việt Nam nói chung và TCM nói riêng.

Trước cuộc chiến thương mại Mỹ Trung đang leo thang, có nhiều ý kiến cho rằng nhiều ngành nghề ở Việt Nam sẽ được hưởng lợi, trong đó có dệt may? Theo ông thì điều này có đúng không và vì sao?

Ông Trần Như Tùng: Tôi đồng tình với nhận định trên về trung và ngắn hạn. Hiện tại, Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh lớn nhất của xuất khẩu dệt may Việt Nam vào thị trường Mỹ. Việc Mỹ áp mức thuế cao đối với hàng dệt may của Trung Quốc sẽ giúp ngành dệt may Việt Nam có mức cạnh tranh tốt hơn về giá.

Thời gian gần đây đã xuất hiện rõ hơn xu hướng chuyển dịch những đơn hàng dệt may từ Trung Quốc sang Việt Nam, bằng chứng là doanh thu xuất khẩu của các DN dệt may Việt Nam tăng mạnh vào tháng 8/2018 và hy vọng với những tháng tiếp theo.

Vậy đâu là cơ hội và thách thức của doanh nghiệp dệt may Việt Nam trong bối cảnh cuộc chiến tranh thương mại Mỹ Trung đang diễn ra, thưa ông?

Cơ hội là ngành dệt may Việt Nam sẽ tăng xuất khẩu vào thị trường Mỹ do Mỹ dịch chuyển đơn hàng từ Trung Quốc sang Việt Nam.

Thách thức là do Mỹ áp thuế cao đối với hàng dệt may của Trung Quốc, vì vậy Trung Quốc sẽ quay sang đẩy mạnh xuất khẩu dệt may vào các thị trường khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, EU giành đơn hàng từ các nước xuất khẩu dệt may trong đó có Việt Nam. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đầu tư tại Trung Quốc cũng có xu hướng chuyển nhà máy sản xuất sang các nước châu Á khác bao gồm Việt Nam. Vì vậy, các doanh nghiệp dệt May Việt Nam chịu sự cạnh tranh từ các doanh nghiệp FDI này như nguồn lực lao động khó hơn dẫn đến chi phí lương sẽ tăng lên…

Đối với TCM, Công ty đã có những bước chuẩn bị nào để đối phó cũng như tận dụng được những lợi thế trong cuộc chiến này?

Chiến tranh thương mại Mỹ Trung sẽ mang đến cho TCM nhiều đơn hàng từ thị trường Mỹ hơn, vì vậy hiện tại các nhà máy từ Sợi - Đan - Dệt - Nhuộm - May TCM đã chạy hết công suất và phải gia công ngoài. Công ty đã vừa mua thêm nhà máy may tại KCN Trảng Bàng Tây Ninh với công suất 3.5 triệu sản phẩm/năm để đáp ứng nhu cầu đơn hàng gia tăng cho cuối năm và thời gian tới.

Bên cạnh gia tăng xuất khẩu sản phẩm áo, TCM cũng tập trung vào mảng R & D để sản xuất những loại vải mới, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng đồng thời Công ty cũng đã ứng dụng hệ thống ERP, KPI vào trong sản xuất kinh doanh nhằm tăng tính cạnh tranh với các doanh nghiệp cùng ngành, đặt biệt là các doanh nghiệp FDI.

Xin ông chia sẻ thêm kết quả kinh doanh ước tính của Công ty trong Q3/2018 và tình hình đơn hàng trong quý còn lại của năm nay?

Dự kiến đến Q3/2018, doanh thu đạt khoảng 2,800 tỷ (119 triệu USD) đạt khoảng 88% kế hoạch năm, lợi nhuận sau thuế đạt khoảng 204 tỷ (8.7 triệu USD), đạt khoảng 108% kế hoạch năm. Hiện tại, TCM đơn hàng đã nhận full cho đến hết năm 2018 và quý 1/2019.

Xin cám ơn ông!

Dương Lâm

fili