Hang Seng giảm gần 2.5% sau quyết định của Fed

Hang Seng giảm gần 2.5% sau quyết định của Fed

Chứng khoán châu Á giảm mạnh trong phiên giao dich cuối tuần (09/11) sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) quyết định giữ nguyên lãi suất.

Giảm mạnh nhất trong phiên ngày thứ Sáu (09/11) là chỉ số Hang Seng của Hồng Kông với mức lao dốc 2.39% xuống 25,601.92 điểm.

Trên thị trường Trung Quốc, chỉ số Shanghai Composite giảm 1.39% xuống 2,598.87 điểm, còn Shenzhen Composite lùi 0.434% xuống 1,328.19 điểm.

Diễn biến trên thị trường chứng khoán châu Á vào lúc khép phiên ngày 09/11
Nguồn: CNBC

Diễn biến tiêu cực trên thị trường Trung Quốc xảy ra sau khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và chỉ số giá sản xuất (PPI) tháng 10 đạt 2.5% và 3.3%, cao hơn so với cùng kỳ năm trước. Những con số này cũng trùng khớp với dự báo từ cuộc thăm dò của Reuters.

Một chuyên gia kinh tế cảnh báo, mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc có thể ảm đạm hơn sau cuộc bỏ phiếu giữa nhiệm kỳ ở Mỹ.

“Kết quả là sẽ có thêm tín hiệu nhiễu và biến động ở trung Quốc”, Trưởng Bộ phận Kinh tế Mỹ tại TS Lombard, Steve Blitz, cho biết trong một báo cáo hôm thứ Năm (08/11), nhận định về môi trường hậu bầu cử. Nhiều thành viên Đảng Dân chủ, bao gồm Thượng nghị sĩ Chuck Schumer, có quan điểm “diều hâu” về Trung Quốc, ông Blitz cho hay.

Môt nhà quan sát thị trường khác cho rằng, cuộc gặp gỡ được nhiều người mong chờ giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch nước Trung Quốc, Tập Cận Bình, tại hội nghị thượng đỉnh G20 nhiều khả năng sẽ không đạt được bước tiến nào trong việc giải quyết xung đột thương mại giữa hai quốc gia.

“Tôi không trông chờ bất kỳ kết quả nào từ cuộc gặp gỡ này”, Kerry Craig, Chiến lược gia thị trường toàn cầu tại J.P. Morgan Asset Management, trao đổi trên chương trình “Squawk Box" của CNBC trong ngày thứ Sáu (09/11).

Ở Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 giảm 1.05% xuống 22,250.25 điểm, còn Topix lùi 0.49% và khép lại tuần qua ở mức 1,627.98 điểm.

Bên cạnh đó, chỉ số Kospi của Hàn Quốc hạ 0.31% xuống 2,086.09 điểm, sau khi Tổng thống nước này, Moon Jae-in, sa thải các nhà hoạch định chính sách kinh tế hàng đầu của ông và thay thế bằng những người trong chính quyền. Theo Reuters, động thái trên thể hiện ông Moon muốn củng cố các chính sách kinh tế của ông – những chính sách mà theo các chuyên gia kinh tế đánh giá là sẽ gây tác động tới tăng trưởng.

Trên thị trường Australia, chỉ số ASX lùi 0.11% xuống 5,921.8 điểm, trong đó các lĩnh vực lớn rơi vào trạng thái trái chiều. Nhóm cổ phiếu năng lượng giảm 1.25%, còn chỉ số tài chính – vốn chiếm tỷ trọng cao trong chỉ số chung – tăng 0.23%.

Fed giữ nguyên lãi suất

Đúng như dự báo của thị trường, Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) hoàn toàn nhất trí giữ nguyên lãi suất chuẩn ở mức 2-2.25%. Trước đó, thị trường dự báo Fed sẽ giữ nguyên lãi suất tại cuộc họp lần này và có lẽ sẽ chấp nhận nâng lãi suất thêm 0.25% vào tháng 12/2018.

Về mặt tích cực, FOMC lưu ý rằng, tỷ lệ thất nghiệp đã giảm kể từ cuộc họp tháng 9/2018. Tuần trước, Bộ Lao động Mỹ công bố tỷ lệ thất nghiệp tổng thể ở mức 3.7%, thấp nhất kể từ tháng 12/1969.

Tuy nhiên, Ủy ban còn lưu ý “tăng trưởng của hoạt động đầu tư cố định của doanh nghiệp đã chậm lại từ mức tăng trưởng nhanh trước đó trong năm nay”.

Chứng khoán châu Á bị thổi bay 4.3 ngàn tỷ USD

Chỉ số cổ phiếu khu vực châu Á-Thái Bình Dương xóa sạch đà tăng tuần qua và hiện đang hướng tới tuần giảm thứ 6 trong 7 tuần vừa qua. Điều này chỉ làm tình hình trở nên xấu đi với một thị trường vốn đã bị thổi bay 4.3 ngàn tỷ USD vốn hóa trong năm nay. Đáng chú ý là: Nhóm cổ phiếu năng lượng là nhóm giảm mạnh nhất cho tới nay, kế đó là lĩnh vực công nghệ khi cổ phiếu Tencent lao dốc 4%.

Vũ Hạo (Theo CNBC)

FiLi