NBB có cần mua lại cổ phiếu quỹ?

NBB có cần mua lại cổ phiếu quỹ?

Nhìn từ thực tế nội tại của doanh nghiệp cũng như tiềm lực tài chính và chiến lược kinh doanh, có thể thấy giai đoạn hiện nay NBB cần tiền cho nhiều mục đích “chính đáng” khác hơn là mua lại cổ phiếu quỹ.

Ngày 20/03/2019, CTCP Đầu tư Năm Bảy Bảy (HOSE: NBB) bất ngờ công bố thông tin sẽ mua lại gần 9.8 triệu cp quỹ với giá không quá 22,000 đồng/cp (số tiền tối đa NBB chi ra gần 214.7 tỷ đồng). Tuy nhiên, hành động này khiến giới đầu tư phải suy ngẫm liệu NBB mua lại cổ phiếu quỹ để làm gì?

Theo các số liệu được công bố tại ĐHĐCĐ thường niên 2018 diễn ra vào ngày 24/04/2018, NBB sở hữu quỹ đất 368 ha, riêng tại thị trường TP.HCM khoảng 58 ha, tuy nhiên Công ty chỉ mới khai thác được 7% quỹ đất.

Nhớ lại “cơn ác mộng” kéo dài từ 2010 - 2013, NBB phải “oằn mình” trả nợ vay và buộc ngừng hẳn các dự án đang triển khai như City Gate hay NBB II. Nợ siết, không có tiền làm dự án, NBB ra sức huy động vốn bằng nhiều cách và từ nhiều nguồn khác nhau.

Sự xuất hiện của Tập đoàn Creed Group (Nhật Bản) với 600 tỷ đồng cùng với việc chào mua cổ phiếu do NBB phát hành và cam kết đầu tư vào 2 dự án NBB II, NBB III được xem là chiếc phao cứu sinh đối với NBB lúc bấy giờ. Nhờ cái bắt tay của Creed Group, dự án City Gate và cả dự án Diamond nhận được “kết ngọt”. NBB như được đà thắng xông lên, bắt đầu triển khai thêm nhiều dự án kể từ năm 2017.

Nếu loại trừ 2 dự án City Gate và Diamond, tổng vốn đầu tư cho các dự án còn lại vào khoảng 12,507 tỷ đồng. Với một doanh nghiệp vừa bước qua những khó khăn chồng chất, đáng lý ra NBB nên “tích cóp” để đầu tư vào các dự án hơn là việc mua lại cổ phiếu quỹ.

Cần nói thêm là trước đó, vào giữa năm 2017, NBB đã chào bán gần 32 triệu cp với giá 10,000 đồng/cp nhằm mục đích huy động vốn để tái cấu trúc tài chính (trả nợ vay ngân hàng) và thanh toán cho nhà cung cấp.

Một lý do nữa cho thấy NBB cần ưu tiên vốn để phát triển dự án hơn đó là việc Công ty đã không chi trả cổ tức trong nhiều năm nay. Lần gần đây nhất vào ngày 22/02/2017, NBB thông báo sẽ trả cổ tức 2014 bằng tiền với tỷ lệ 10% vào ngày 08/09/2017 và cổ tức 2015 bằng tiền với tỷ lệ 8% vào ngày 29/12/2017.

Hai năm trở lại đây, kinh doanh của NBB đã có khởi sắc đáng kể khi dự án City Gate được bàn giao, qua đó ghi nhận doanh thu và lợi nhuận. Thế nhưng có quá tự mãn hay không nếu cứ tin rằng kết quả từ năm nay trở đi vẫn tốt, nhất là khi NBB mới vừa trải qua sự cố cháy tại chung cư Carina khiến danh tiếng trên thị trường ắt hẳn bị ảnh hưởng nhiều.

Trở lại với phương án mua cổ phiếu quỹ của NBB, không có mục đích chi tiết được HĐQT Công ty đưa ra. Phải chăng việc mua cổ phiếu quỹ của NBB còn ý nghĩa gì khác?

Và khi nhắc đến NBB, nhà đầu tư nghĩ ngay đến một ông lớn trên sàn đang có ý định thâu tóm NBB, chính là CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh (HOSE: CII).

Nói về mối quan hệ giữa NBB và CII, NBB đã chấp thuận cho CII tăng tỷ lệ sở hữu từ 25% - 35% vốn điều lệ tại ĐHĐCĐ thường niên 2017. Tiếp đó tại ĐHĐCĐ thường niên 2018, NBB lại thông qua cho CII sở hữu tối đa 49% cổ phần. Những lần tăng vốn này CII không phải thực hiện chào mua công khai.

Về phía CII, đơn vị này đã “có ý định” thâu tóm NBB để biến NBB thành CII Land - một trong năm mảnh ghép của mô hình CII Holdings. Cụ thể cho “ý định” này, ngày 15/02/2017, HĐQT CII đã thông qua kế hoạch chi tiết thành lập CII Land trên cơ sở tăng tỷ lệ sở hữu của CII NBB lên trên 51%.

Hoạt động mua lại cổ phiếu quỹ lần này của NBB không biết “vô tình hay hữu ý” sẽ đẩy tỷ lệ sở hữu của CII tại NBB tăng lên 51.63% (tính trên số lượng cổ phiếu lưu hành) - là bàn đạp để CII hiện thực hóa “ý định” của mình. Những “tính toán” của NBB liệu đã nằm sẵn trong phần thương lượng giữa hai bên hay chăng đó chỉ là sự “vô tình”?

(Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả)

Mai Ngân

FILI