Bế tắc về Brexit làm tê liệt nền kinh tế Anh

Bế tắc về Brexit làm tê liệt nền kinh tế Anh

Sự bất đồng của các chính trị gia Anh về cách thức rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) đã đẩy quá trình Brexit vào bế tắc và kéo theo hậu quả là nền kinh tế Anh bị tê liệt.

 

Thị trường nhà ở suy yếu, sản lượng ô tô sụt giảm, vốn đầu tư đi lùi và các cấp quản lý dần trở nên bi quan, tất cả những điều trên đều cho thấy sự bất ổn kéo dài ba năm nay của tiến trình Brexit đã khiến nền kinh tế Anh bị đình trệ.

Dấu hiệu cảnh báo mới nhất xuất hiện vào ngày thứ Ba (02/04), khi Phòng Thương mại Anh cho biết một cuộc khảo sát 7,000 doanh nghiệp đã chỉ ra rằng đà tăng trưởng kinh tế Anh “gần như chững lại” trong quý 1/2019.

“Những phát hiện của chúng tôi là lời cảnh báo rõ ràng cho thấy tình trạng bế tắc về Brexit tiếp tục là nguyên nhân gây ra sự giảm tốc nhanh chóng của nền kinh tế”, Adam Marshall, Tổng Giám đốc của bộ phận vận động hành lang thương mại, cho biết.

Bất ổn gây ra tổn thương về kinh tế

Nền kinh tế Anh chỉ tăng được thêm 0.2% vào quý 1/2019. Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế lo ngại đà tăng sẽ tiếp tục suy giảm kể từ đó. Một bằng chứng quan trọng được thể hiện qua những khó khăn trong lĩnh vực các ngành dịch vụ, vốn chiếm đến 80% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP).

Các nghiên cứu của IHS Markit cho thấy vào tháng 1/2019, vốn đầu tư của ngành dịch vụ đã giảm nhanh nhất kể từ năm 2012 khi các công ty hoãn kế hoạch mở rộng nhân lực bởi vì sự bất ổn về Brexit.

Chris Williamson, Chuyên gia kinh tế tại IHS Markit, cho biết dữ liệu đã chỉ ra rằng nền kinh tế Anh “vẫn tiếp tục bị tê liệt” trong tháng 2/2019 và đà tăng trưởng có thể giảm xuống 0.1% trong quý 1/2019.

Sản lượng của ngành xây dựng trong tháng 3/2019 cũng giảm, dựa trên dữ liệu của IHS Markit. Ngành sản xuất thể hiện sự vượt trội hơn trong tháng 3 nhưng là do các công ty đang dự trữ để chuẩn bị cho Brexit.

Thị trường bất động sản

Thị trường bất động sản Anh vốn đã bị ảnh hưởng nặng nề từ cuộc bỏ phiếu Brexit hồi tháng 6/2016 và tiếp tục “sống lay lắt” dưới sự tác động của giá cả không ổn định.

Giá nhà ở tại London giảm 3.8% trong quý 1/2019 so với cùng kỳ năm ngoái, theo thông tin của công ty cho vay thế chấp Nationwide. Đây là mức giảm mạnh nhất của giá nhà ở London kể từ năm 2009.

“Tình trạng bất ổn ngày càng tăng cao của quá trình Brexit và nền kinh tế đã khiến người mua ngày càng cẩn trọng”, Howard Archer, Chuyên gia tư vấn kinh tế của EY ITEM Club, cho biết.

Tổ chức Giám định viên Chuyên nghiệp Hoàng gia cho biết, một cuộc khảo sát các chuyên gia trong ngành cho thấy nhu cầu của người mua mới và doanh số bất động sản đã giảm 6 tháng liên tiếp tính đến tháng 2/2019.

Có đến 77% số người tham gia khảo sát khẳng định rằng sự bất ổn của Brexit đã trở thành một bóng đen bao phủ lên thị trường.

Khan hiếm vốn đầu tư

Các nhà kinh tế cũng lên tiếng cảnh báo về việc suy giảm vốn đầu tư.

Nguồn vốn đầu tư chảy vào ngành kinh doanh ở nước Anh giảm 0.9% vào quý 4/2018, đánh dấu lần đầu tiên lĩnh vực đầu tư giảm bốn quý liên tiếp kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Những khoản đầu tư mới cho ngành công nghiệp ô tô cũng đã giảm một nửa trong năm 2018, theo thông tin từ Hiệp hội Các nhà sản xuất và Đại lý Xe.

Ngành công nghiệp ô tô, vốn đã bị ảnh hưởng từ vụ bê bối dầu diesel và những cuộc thử nghiệm khí thải, phải hứng chịu sự sụt giảm doanh số. Sản lượng ô tô đã giảm tháng thứ chín liên tiếp tính đến tháng 2/2019.

Bức tranh toàn cảnh

Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) ước tính nền kinh tế Anh vốn đã giảm 2% so với trước đây cho dù vào năm 2016 các cử tri bỏ phiếu cho nước Anh tiếp tục ở lại EU.

Việc đó khiến nền kinh tế Anh thiệt hại 800 triệu Euro (tương đương 1 tỷ USD) mỗi tuần. Đồng thời, vẫn chưa có nỗ lực đáng kể nào được thực hiện để giải quyết những vấn đề về kinh tế bao gồm năng suất lao động suy giảm và bất bình đẳng gia tăng.

Trân Võ (Theo CNN)

Fili