Chủ tịch NHTW châu Âu bỗng lo ngại về tính độc lập của Fed

Chủ tịch NHTW châu Âu bỗng lo ngại về tính độc lập của Fed

Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Mario Draghi bỗng thực hiện động thái hiếm hoi khi xem xét tới chuyện liệu Tổng thống Mỹ Donald Trump có làm hủy hoại tính độc lập của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hay không – một chủ đề nóng trong thời gian gần đây.

Trao đổi với các phóng viên tại các cuộc họp của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ở Washington trong ngày thứ Bảy (13/04), ông Draghi cho biết ông thật sự “lo ngại về tính độc lập của ngân hàng trung ương và nhất là “ở cơ quan tài phán quan trọng nhất thế giới”.

Sự can thiệp của ông Draghi là vô cùng đáng chú ý khi các nhà lãnh đạo NHTW thường không muốn nhận định về bức tranh chính trị hoặc sự kiện ở các nền kinh tế khác ngoài họ. Sau đó, nhiều người nhận thấy ông trao đổi với Chủ tịch Fed Jerome Powell ở các trụ sở của IMF. Ông Powell dạo gần đây hứng chịu nhiều sự chỉ trích khi ông Trump cáo buộc Fed không làm đủ nhiều để thúc đẩy nền kinh tế Mỹ.

Các ngân hàng trung ương độc lập với sự can thiệp chính trị như thế nào đã là chủ đề chính bên lề của các cuộc họp IMF. Điều này diễn ra trong bối cảnh ông Trump muốn đề cử hai nhân vật trung thành về chính trị vào Ban Thống đốc Fed: Ông Herman Cain và ông Stephen Moore.

Các chính trị gia từ Thổ Nhĩ Kỳ cho tới Ấn Độ cũng được cho là đang cố gắng tìm cách gây ảnh hưởng tới các nhà hoạch định chính sách tiền tệ với hy vọng họ sẽ hành động để thúc đẩy nhu cầu. Rủi ro ở đây là nhà đầu tư bắt đầu hoài nghi về tính độc lập của ngân hàng trung ương.

“Nếu ngân hàng trung ương không độc lập thì nhiều người có thể nghĩ rằng các quyết định chính sách tiền tệ đều xuất phát từ yếu tố chính trị thay vì là các đánh giá khách quan về triển vọng kinh tế”, ông Draghi nhận định. “Các ngân hàng trung ương nên được tự do chọn lựa cách nào là tốt nhất để thực hiện nhiệm vụ của họ”.

Cũng trong ngày thứ Bảy (13/04), khi được hỏi về các ứng cử viên Fed và các áp lực khác đối với các ngân hàng trung ương, Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde cho biết đối với những định chế đó, “tính độc lập giúp họ rất nhiều và hy vọng sẽ tiếp tục là như thế”.

Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nam Phi Lesetja Kganyago và Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Thụy Sĩ Thomas Jordan đều đưa ra quan điểm cho rằng các ngân hàng trung ương đã tuân thủ theo các mục tiêu đã đề ra bởi các cơ quan lập pháp.

“Nhiệm vụ của ngân hàng trung ương càng rõ ràng thì ngân hàng trung ương đó càng dễ có trách nhiệm với các nhiệm vụ đó”, Kganyago nhận định. Ông Jordan cho hay “sự độc lập của ngân hàng trung ương là cực kỳ quan trọng” và ông tin rằng “các ngân hàng trung ương nên tuân theo một nhiệm vụ có phạm vi tương đối hẹp”.

Thống đốc Ngân hàng Trung ương Canada (BoC) Stephen Poloz tranh luận rằng các chuyên gia kỳ vọng quá nhiều từ các ngân hàng trung ương sau khi họ thành công vượt qua cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 và cuộc suy thoái toàn cầu sau đó.

“Chẳng hiểu sao chúng ta lại đưa ra quan điểm cho rằng các ngân hàng trung ương có thể làm bất kỳ điều gì – chẳng hề đúng chút nào”, ông Poloz nhận định.

Vũ Hạo (Theo Bloomberg)

FiLi