Thúc đẩy sản xuất gia cầm xuất khẩu

Thúc đẩy sản xuất gia cầm xuất khẩu

Lợi thế về thương mại ngành thịt gia cầm của Việt Nam có thể xác định các thị trường quốc tế mục tiêu như Nhật Bản, Trung Quốc, Philippines...

vietstock
Trong 3 năm (2016-2018), sản lượng thịt gia cầm chiếm 17.5-19% trong tổng sản lượng thịt các loại của cả nước.

Tại hội nghị thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu sản phẩm gia cầm do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức ngày 12/4 tại Hà Nội, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định, "ngành chăn nuôi gia cầm đang có dư địa rất lớn để phát triển. Tuy nhiên, để thúc đẩy sản xuất gia cầm hướng đến xuất khẩu, thì cần theo quy hoạch, không để cung vượt cầu, tránh để phát sinh dịch bệnh..."

Tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Trọng, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi nhận định, chăn nuôi gia cầm trong thời gian tới có nhiều cơ hội phát triển do nhu cầu tiêu dùng trong nước về thịt gia cầm ngày càng tăng cao.

Tuy nhiên, hiện nay chăn nuôi gia cầm còn hạn chế trong liên kết sản xuất, tình trạng mất cân đối cung - cầu do chăn nuôi nông hộ còn nhiều, giá thành sản phẩm còn cao, dịch bệnh luôn đe dọa...

Ông Trọng cho biết, trong 3 năm (2016-2018), sản lượng thịt gia cầm chiếm 17.5 - 19% trong tổng sản lượng thịt các loại của cả nước. Tăng trưởng bình quân sản phẩm gia cầm đạt 6.83%/năm, trong đó thịt gà tăng trưởng 6.46%/năm; thịt vịt tăng 8.75%/năm; thịt ngan tăng 5.49%/năm; thịt ngỗng tăng trưởng cao nhất là gần 22%/năm. Tổng sản lượng thịt gia cầm và sản phẩm gia cầm xuất khẩu năm 2018 của cả nước đạt 25,762 tấn, tăng tới 124% so với năm 2017.

Nhưng ở chiều ngược lại, sản lượng gia cầm nhập khẩu cũng không ngừng tăng trong những năm gần đây, chỉ tính riêng năm 2018, nhập khẩu thịt gà các loại đạt trên 128,000 tấn, trị giá 116 triệu USD; 3 tháng đầu năm 2019, con số này là 33,236 tấn, giá trị kim ngạch 28.7 triệu USD.

Ông Phạm Văn Đông, Cục trưởng Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho rằng muốn tăng nhanh khối lượng thịt gia cầm xuất khẩu, cần kiểm soát tốt dịch cúm gia cầm và xây dựng cơ sở vùng an toàn dịch bệnh là hết sức quan trọng.

Ngoài ra, cần tổ chức kiểm soát các vi sinh vật khác, loại bỏ các chất tồn dư độc hại trong sản phẩm để đảm bảo yêu cầu nhập khẩu của các nước, đặc biệt là các nước khó tính như Nhật Bản, Úc, Singapore.

Theo ông Đông, hiện Nhật Bản đã chính thức cho phép 2 công ty của Việt Nam là Koyu&Unitek và Công ty cổ phần chăn nuôi CP được xuất khẩu sản phẩm thịt gà chế biến vào thị trường này. Tính đến cuối năm 2018, Koyu&Unitek đã xuất khẩu được 171 lô thịt gà chế biến sang Nhật Bản với tổng khối lượng 1,500 tấn, trị giá 6 triệu USD.

Đại diện Công ty cổ phần chăn nuôi CP cho biết, để đón bắt cơ hội xuất khẩu, hiện công ty đã xây dựng dự án xuất khẩu giai đoạn 1 với quy mô 50 triệu con gà thịt/năm. CP Việt Nam đang đầu tư xây dựng tổ hợp này tại tỉnh Bình Phước với hệ thống liên hoàn, gồm nhà máy thức ăn chăn nuôi, hệ thống trang trại gà giống bố mẹ, nhà máy ấp trứng, hệ thống trang trại chăn nuôi gà thịt và nhà máy chế biến các sản phẩm từ thịt gà.

Tổ hợp ở Bình Phước được CP đầu tư mới hoàn toàn với các thiết bị được sử dụng là những công nghệ mới nhất, hiện đại nhất châu Á. Theo kế hoạch, công ty sẽ xuất khẩu lô hàng đầu tiên vào tháng 6/2020 sang thị trường Nhật Bản với sản lượng 3,000 tấn/tháng, sau đó sẽ mở rộng sang các quốc gia châu Á, châu Âu.

Ông Nguyễn Quốc Toản, Quyền Cục trưởng Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản nhận định, đối với thị trường thế giới, dựa trên lợi thế so sánh về ưu thế sản xuất, lợi thế về thương mại ngành thịt gia cầm của Việt Nam có thể xác định các thị trường quốc tế mục tiêu là: Nhật Bản, Trung Quốc, Philippines.  Bên cạnh đó, các thị trường tiềm năng là: Ảrập Xêút, Nam Phi, UAE.

Theo ông Toản, đối với thị trường quốc tế, trước mắt phát triển các sản phẩm chế biến nhằm tránh các rào cản đối với các quốc gia có hàng rào kiểm dịch và an toàn vệ sinh thực phẩm cao như: trứng muối, thịt gà, thịt vịt đã qua chế biến nhiệt. Đồng thời, cần đầu tư nghiên cứu sâu nhằm gắn sản xuất với nhu cầu và yêu cầu của từng thị trường xuất khẩu.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, "để chiếm lĩnh được thị trường xuất khẩu, cần phát triển các chuỗi sản xuất khép kín, hướng đến các mô hình trang trại thay vì nông hộ như hiện nay; phát triển các sản phẩm chế biến nhằm tránh các rào cản đối với các quốc gia có hàng rào kiểm dịch và an toàn vệ sinh thực phẩm cao; tập trung sản xuất theo tiêu chuẩn, có chứng nhận chất lượng; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đã có sản phẩm gia cầm đi các thị trường thế giới mở rộng quy mô sản xuất, phát triển sản phẩm."

Một giải pháp nữa là tổ chức tốt khâu chế biến. Hai năm gần đây, nhiều doanh nghiệp lớn đã cùng với bà con nông dân các địa phương xây dựng được nhiều nhà máy chế biến có công nghệ tiên tiến.

Tuy nhiên, so với tổng sản lượng thịt, yêu cầu, tổ chức thị trường theo hướng công nghiệp hoá hiện đại hoá, so với xuất khẩu thì số nhà máy chế biến đó là chưa đủ. Do đó, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn yêu cầu, thời gian tới các doanh nghiệp phối hợp với bà con nông dân, cùng với các tổ chức ngành hàng đầu tư nhiều hơn nữa các nhà máy chế biến. Trên cơ sở đó, tạo dựng chuỗi giá trị dài hơn.

Chu Khôi

vneconomy