Đại biểu Quốc hội: Lợi ích nhóm khiến cổ phần hoá dậm chân tại chỗ

Đại biểu Quốc hội: Lợi ích nhóm khiến cổ phần hoá dậm chân tại chỗ

Số doanh nghiệp Nhà nước cổ phần hoá "chậm dần đều", xuất hiện nhiều sai phạm, tranh chấp sau thoái vốn.

Tại phiên thảo luận xã hội ngày 30/5, nhiều đại biểu Quốc hội nêu tình trạng thoái vốn Nhà nước, cổ phần hoá đang diễn ra quá chậm.

Về kết quả cổ phần hoá, thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước, ông Nguyễn Trường Giang - Uỷ viên thường trực Uỷ ban Pháp luật đánh giá, quá trình này đang diễn ra quá chậm khi số lượng doanh nghiệp hoàn thành cổ phần hoá "chậm dần đều" qua các năm.

Ông ví dụ, 64 doanh nghiệp phải cổ phần hoá trong năm 2018 thì chỉ có 12 đơn vị hoàn thành (đạt 17%), 35 doanh nghiệp chuyển sang năm 2019, 12 đơn vị chuyển sang 2020 và 6 đơn vị không rõ thời gian hoàn thành. "Việc xác định giá trị doanh nghiệp khó khăn, phương án sử dụng đất sau cổ phần hoá... dẫn tới quy trình thực hiện kéo dài", ông Giang nhận xét.

Bên cạnh đó, kỷ cương kỷ luật thực thi pháp luật chưa nghiêm. "Còn lợi ích nhóm trong cổ phần hoá, thoái vốn, như xử lý trách nhiệm cá nhân để xảy ra sai phạm chưa kịp thời", ông nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Trường Giang - Uỷ viên thường trực Uỷ ban Pháp luật. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội

Uỷ viên thường trực Uỷ ban Pháp luật dẫn chứng sai phạm trong cổ phần hoá tại Cảng Quy Nhơn và đã được Thanh tra Chính phủ công bố kết luận. Ở trường hợp này, ông Giang cho rằng, Bộ Giao thông & Vận tải chưa làm đúng chức năng, nhiệm vụ để xảy ra nhiều sai phạm trong quá trình bán vốn.

Theo kết luận thanh tra, ở quá trình chuyển nhượng vốn Bộ đã ban hành 2 văn bản trái phép, bán vốn hơn 75% cảng Quy Nhơn cho Công ty Hợp Thành. Thanh tra Chính phủ sau đó đã yêu cầu thu hồi 2 văn bản trái luật này và yêu cầu Vinalines phải thanh toán các khoản tiền cho cổ đông để thu hồi lại tỷ lệ hơn 75% vốn đã bán. "Đây là sự vi phạm của cơ quan quản lý Nhà nước", đại biểu tỉnh Đăk Nông nhấn mạnh.

Trường hợp khác được ông Giang nhắc tới là Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) cổ phần hoá thành công nhưng lại phát sinh những tranh chấp, kiện tụng của các nhóm cổ đông sở hữu, ảnh hưởng tới sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và niềm tin của nhà đầu tư.

Quan điểm của ông Giang nhận được sự đồng tình từ nhiều đại biểu. Ông Phạm Đình Toản - Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, có hiện tượng thất thoát chi chuyển quyền sử dụng đất với doanh nghiệp đã cổ phần hoá. Khoản tiền này trước đây chưa tính vào giá trị doanh nghiệp.

Còn ông Lê Minh Chuẩn - Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Than, khoáng sản Việt Nam chỉ ra những điểm vênh tại các văn bản dưới luật liên quan tới xác định giá trị doanh nghiệp, khiến đơn vị thực thi không biết hiểu, áp dụng thế nào cho đúng.

Từ những dẫn chứng cụ thể, các đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ cần chỉ đạo đẩy nhanh cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước, minh bạch trong xác định giá trị doanh nghiệp.

Cấp có thẩm quyền cũng cần có hình thức xử lý nghiêm minh tổ chức, cá nhân lợi dụng chức vụ quyền hạn can thiệp trái pháp luật vào quá trình cổ phần hoá, bởi sẽ ảnh hưởng tới việc Nhà nước thoái vốn sau này.

Anh Minh

VNEXPRESS