GDP Việt Nam có thể tăng 1,1% mỗi năm nhờ chuyển đổi số

GDP Việt Nam có thể tăng 1,1% mỗi năm nhờ chuyển đổi số

Bốn kịch bản về chuyển đổi, ứng dụng số và công nghệ được các chuyên gia khuyến nghị ứng dụng vào Việt Nam tới năm 2045.

Tại Diễn đàn khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo - một trụ cột cho phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam ngày 15/5, Tiến sĩ Lucy Cameron – Tư vấn nguyên cứu cao cấp CSIRO đánh giá, Việt Nam đang có "một tương lai sáng trong phát triển nền kinh tế số".

Theo bà, trước đây Việt Nam gia tăng sản xuất, đẩy mạnh chuyển giao công nghệ, thúc đẩy dựa trên tăng trưởng truyền thống. Tuy nhiên, để bứt phá cần chú trọng đến công nghệ cao, tập trung vào phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo với những định hướng mới. "Chuyển đổi số, ứng dụng số sẽ giúp GDP Việt Nam tăng 1,1% một năm cho tới 2045", bà Lucy nhận xét.

Chuyên gia tư vấn của CSICO đưa ra 4 kịch bản trong ứng dụng chuyển đổi số giúp Việt Nam đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế trong tương lai, gồm kịch bản truyền thống, chuyển đổi số, xuất khẩu số và tiêu dùng số. Mỗi kịch bản đều có khả năng tác động đến tăng trưởng GDP hàng năm của Việt Nam.

Bà Lucy Cameron - Tư vấn nghiên cứu cao cấp CSICO. Ảnh: Giang Huy

Ở kịch bản truyền thống, ứng dụng công nghệ sẽ giúp Việt Nam tăng trưởng 0,38% mỗi năm. Trong khi đó xuất khẩu số và tiêu dùng số mức tác động tăng tới GDP lần lượt 0,45% và 0,63% mỗi năm. Ở kịch bản tốt nhất, GDP tăng nhiều nhất, 1,1% một năm nếu ứng dụng chuyển đổi số.

"Lao động trẻ, vị trí trung tâm của khu vực châu Á - Thái Bình Dương với tăng trưởng kinh tế cao... là những lợi thế của Việt Nam trong chuyển đổi số nền kinh tế. Nếu quản lý tốt Việt Nam sẽ đạt được tham vọng, thu hút công nghệ và đổi mới sáng tạo", bà Lucy nhận xét.

Trong khi đó, góp ý vào chính sách đổi mới sáng tạo của Việt Nam, ông Ousmane Dione - Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (WB) lại nhấn mạnh tới sự tham gia của khu vực tư nhân. Theo ông, sự tham gia của khối này vào quá trình đổi mới sáng tạo ở Việt Nam cũng giống như việc phải tìm một công thức chuẩn làm bánh pancake. "Muốn bánh ngon thì ngoài công thức chuẩn, cần một đầu bếp lành nghề và nguyên liệu bột tốt...", ông nói và nhấn mạnh yếu tố then chốt ở đây chính là cải cách thể chế để tăng cường năng lực Chính phủ, doanh nghiệp...

Ở góc độ của mình, bà Lucy Cameron khuyến nghị Việt Nam cần xây dựng nền tảng thống nhất kết nối hệ thống đổi mới sáng tạo, tận dụng được sức mạnh các bên, tập trung vào các lĩnh vực chuyên sâu, cung cấp hỗ trợ đổi mới sáng tạo. Việt Nam nên tham gia nhiều diễn đàn trong khu vực, thúc đẩy quỹ đầu tư mạo hiểm; đẩy mạnh quan hệ đối tác về công nghệ và chuyển giao công nghệ...

"Chúng tôi tin Việt Nam có cơ hội to lớn trong việc tận dụng công nghệ số để có những đột phá trong thời gian tới", bà nhấn mạnh.

Hội nghị "Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Một trụ cột cho phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam" do Bộ Khoa học và Công nghệ và Đại sứ quán Australia tại Việt Nam và Liên minh Đổi mới Phát triển Quốc tế (IDIA) đồng tổ chức. 

Hội nghị là diễn đàn để các bộ, ngành, địa phương của Việt Nam và các đối tác quốc tế trao đổi về cách thức mà khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo thực sự có thể đóng góp cho tăng trưởng kinh tế - xã hội ở Việt Nam. Đây là cơ hội để các nhà hoạch định chính sách, các nhà khoa học, doanh nghiệp Việt Nam trao đổi, tăng cường liên kết với mạng lưới Liên minh Đổi mới Phát triển Quốc tế lần đầu tiên nhóm tập hợp tại Việt Nam - gồm các tổ chức thành viên từ các chính phủ, tổ chức quốc tế, các quỹ hàng đầu thế giới về đổi mới sáng tạo.

Anh Minh

VNExpress