ABR: Sau "thay máu" lãnh đạo ngoại là tăng vốn mạnh, lên HOSE dù kinh doanh còn èo uột

ABR: Sau "thay máu" lãnh đạo ngoại là tăng vốn mạnh, lên HOSE dù kinh doanh còn èo uột

Theo tài liệu ĐHĐCĐ thường niên 2019 của CTCP Đầu tư Nhãn hiệu Việt (UPCoM: ABR), cổ đông sẽ bầu lại toàn bộ HĐQT cũng như Ban kiểm soát, đồng thời chào bán riêng lẻ 17 triệu cp và loạt mục tiêu khác.

Lộ diện người Đài Loan đứng sau toàn bộ thương vụ

HĐQT ABR sẽ trình cổ đông kế hoạch chào bán riêng lẻ 17 triệu cp với giá dự kiến 10,000 đồng/cp, nhằm tăng vốn từ 30 tỷ đồng lên 200 tỷ đồng.

Số cổ phần này bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 1 năm từ ngày hoàn thành đợt chào bán, trừ trường hợp chuyển nhượng theo quyết định của Tòa án hoặc theo quy định của pháp luật. Thời điểm chào bán dự kiến trong quý 3, 4/2019.

HĐQT ABR cũng công bố danh sách 4 nhà đầu tư mua cổ phiếu trong đợt này, trong đó có 2 cá nhân và 2 tổ chức. Thứ nhất là CTCP Phát triển Quang Thái với người đại diện pháp luật là ông Lu Hui Hung. Quang Thái dự kiến chi 151 tỷ đồng để mua hơn 15.1 triệu cp nhằm tăng sở hữu từ 690,350 cp (23.01%) lên hơn 15.79 triệu cp (78.95%).

Nhà đầu tư thứ hai là Công ty TNHH Phát triển Vũ Hồng (người đại diện pháp luật là bà Phạm Thị Mai Hương). Vũ Hồng đăng ký mua 200,000 cp ABR, nhằm tăng sở hữu từ 725,020 cp (24.17%) lên 925,020 cp (4.63% vốn), tương ứng số tiền dự kiến chi ra là 2 tỷ đồng.

Ngoài ra, hai cá nhân người Đài Loan khác cũng đăng ký mua là bà Lan Wan Chen và ông Tsai Hsiu Li cùng đăng ký mua 850,000 cp, tương ứng 8.5 tỷ đồng. Nếu giao dịch thành công, bà Lan Wan Chen tăng sở hữu từ 127,300 cp (4.24%) lên 977,300 cp (4.89%), còn ông Tsai Hsiu Li tăng sở hữu từ 102,300 cp (3.41%) lên 952,300 cp (4.76%).

Dự kiến số tiền mua được từ đợt phát hành, ABR sẽ dùng hết 170 tỷ đồng để mua 100% phần vốn góp của Công ty TNHH Một thành viên Thương mại Dịch vụ Cuộc sống Mới (New Life). Được biết, New Life được thành lập năm 2009 với vốn điều lệ 35 tỷ đồng. Từ tháng 10/2017, New Life đã chuyển từ hoạt động kinh doanh chính từ trung tâm dữ liệu (Data Center) sang lĩnh vực cung cấp các dịch vụ viễn thông sau khi New Life tiếp quản hoạt động dịch vụ viễn thông tại khu vực Phú Mỹ Hưng từ SST. New Life hiện đang hợp tác với các nhà cung cấp dịch vụ trong nước như SPT, FPT, VNPT và Viettel trong việc cung cấp các dịch vụ viễn thông như Leased Line, ASDL, FTTH, FTTb / VDSL ...

Đáng chú ý, Đại hội lần này của ABR sẽ tiến hành miễn nhiệm toàn bộ HĐQT nhiệm kỳ 2017 - 2021 gồm:

- Ông Trần Thanh Dũng – Chủ tịch Hội đồng quản trị

- Bà Trương Thị Vân – Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị

- Ông Trương Thành Hưng – Thành viên Hội đồng quản trị

- Ông Ngô Văn Triển – Thành viên Hội đồng quản trị

Thay vào đó, cổ đông sẽ bầu bổ sung Thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2017 - 2021 với 4/5 người có quốc tịch Đài Loan:

- Ông Ho Feng Tao – Thành viên Hội đồng quản trị

- Bà Lan Wan Chen – Thành viên Hội đồng quản trị (Tổng giám đốc)

- Bà Hoàng Như Quỳnh – Thành viên Hội đồng quản trị (đại diện của nhóm cổ đông nắm giữ hơn 24% vốn)

- Ông Shih Chien Sheng – Thành viên độc lập Hội đồng quản trị

- Ông Lu Hui Hung – Thành viên Hội đồng quản trị (hiện là TGĐ của Công ty Quang Thái, Công ty TNHH Truyền thông Thế Sáng)

Tương tự với thành viên Ban kiểm soát sẽ bầu bổ sung mới hoàn toàn gồm:

- Ông Liew Sep Siang – Thành viên Kiểm soát (hiện là Trưởng BKS Chứng khoán Phú Hưng - PHS, Phó TGĐ Bảo hiểm Phú Hưng)

- Bà Tsai Hsiu Li – Thành viên Ban Kiểm soát

- Ông Lo Nai Wei – Thành viên Ban Kiểm soát

Điều này cũng được dự đoán từ trước khi ngày 10/06/2019, một loạt các thành viên ban lãnh đạo và những người liên quan đã thoái toàn bộ vốn tại ABR.

Lãi èo uột nhưng vẫn đặt kế hoạch lên sàn HOSE

Tiền thân của Nhãn Hiệu Việt là CTCP Chế biến Gỗ Kiến An (KienAn Wood). KienAn Wood được thành lập vào năm 2012 trên cơ sở là xí nghiệp sản xuất gỗ Kiến An - Gia  Lai. Năm 2013, Công ty tiến hành sáp nhập thương hiệu thời trang Journey Men Style.

Năm 2015, để phù hợp cho định hướng và mục tiêu hoạt động, ABR chính thức đổi tên thành Đầu tư Nhãn Hiệu Việt, tiếp tục hoạt động và mở rộng các lĩnh vực kinh doanh về truyền thông số hóa, xây dựng hệ thống kênh bán lẻ và đầu tư nhãn hiệu. Từ đây Công ty tập trung vào mục tiêu phát triển 3 trụ cột cốt lõi là: Truyền thông số hóa, đầu tư nhãn hiệu và đầu tư hệ thống kênh bán lẻ.

Ngày 12/06/2018, ABR chính thức lên sàn chứng khoán UPCoM. Hiện giá đóng cửa ngày 15/07 của cổ phiếu ABR tại mức 9,800 đồng/cp, giảm gần 7% so với lúc mới lên sàn.

Tại thời điểm cuối năm 2018, tổng tài sản của ABR ở mức gần 36 tỷ đồng. Tình hình kinh doanh năm 2018 có khả quan hơn so với năm 2017 khi doanh thu thuần tăng 20%, đạt mức 21 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế hơn 1.7 tỷ đồng, gấp 69 lần con số 24 triệu đồng của năm 2017. 

Tình hình tài chính của ABR trong năm 2017 và 2018

Năm qua, ABR đã tiến hành thoái vốn tại Công ty TNHH Đầu tư Kênh bán lẻ 247 (1.9 tỷ đồng vốn điều lệ) và Công ty TNHH Đầu tư Truyền thông Đông Sài Gòn (11.72 tỷ đồng vốn điều lệ).

Về kế hoạch trong thời gian tới, ABR cũng trình cổ đông mục tiêu niêm yết trên HOSE sau khi cổ phiếu đáp ứng đủ điều kiện theo quy định pháp luật.

Bên cạnh hoạt động kinh doanh cốt lõi, ABR cho biết sẽ chủ động trong việc tìm kiếm các công ty có mô hình hoạt động kinh doanh có hiệu quả để đầu tư. Mục tiêu nhằm tăng cường giá trị, mức độ hấp dẫn đối với các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư chiến lược, các quỹ đầu tư nước ngoài, thông qua đó có thể huy động vốn thông qua công ty mẹ để mở rộng đầu tư kinh doanh. Theo đó, ABR bổ sung thêm ngành nghề kinh doanh là hỗ trợ dịch vụ tài chính.

Minh An

Fili