BVS: Dệt may hưởng lợi về dài hạn, ngành sữa đứng ngoài “cuộc vui” EVFTA

BVS: Dệt may hưởng lợi về dài hạn, ngành sữa đứng ngoài “cuộc vui” EVFTA

CTCK Bảo Việt (BVS) nhận định rằng hiệp định EVFTA được ký kết và phê chuẩn sẽ mở ra cả cơ hội lẫn thách thức cho Việt Nam. Các ngành như dệt may và giày dép là ngành được hưởng lợi nhiều nhất.

EVFTA là hiệp định thương mại thứ ba của EU với một quốc gia châu Á, sau hiệp định EU – Hàn Quốc (có hiệu lực từ năm 2011) và hiệp định EU – Singapore (được phê duyệt vào đầu năm 2019). Theo đó, nếu hiệp định EVFTA được phê chuẩn, Việt Nam cần đạt được các yêu cầu về xuất xứ, chất lượng kỹ thuật, an toàn vệ sinh thực phẩm để có thể đủ điều kiện gia nhập thị trường Châu Âu.

Ngành dệt may hưởng lợi trong dài hạn

Để được miễn thuế, sản phẩm may mặc phải thỏa mãn 2 điều kiện: Vải sử dụng để tạo ra thành phẩm phải có xuất xứ từ Việt Nam hoặc EU, việc cắt và may phải được thực hiện tại Việt Nam hoặc EU. Tuy nhiên, hiệp định EVFTA cũng có cam kết linh hoạt về quy tắc xuất xứ cộng gộp.

Nhóm sản phẩm dệt may được EU cam kết loại bỏ thuế ngay là các sản phẩm mà Việt Nam hiện ít gia công hoặc xuất khẩu vào EU (ví dụ nguyên liệu dệt may). Do đó BVS cho rằng Việt Nam sẽ ít được hưởng lợi từ nhóm cam kết này.

Nhóm sản phẩm mà EU cam kết loại bỏ thuế theo lộ trình bao gồm phần lớn các sản phẩm may mặc mà Việt Nam đang xuất khẩu sang EU. Hiện tại, nhóm này đang được hưởng mức thuế ưu đãi trung bình là 9% theo Quy chế ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP - ưu đãi mà EU đơn phương dành cho cho các sản phẩm chưa có năng lực cạnh tranh tốt từ các nước đang/kém phát triển nhất định theo các tiêu chí mà EU quyết định). Sau khi EVFTA có hiệu lực, GSP sẽ tự động chấm dứt, các mức thuế nhập khẩu đối với hàng may mặc sẽ giảm dần đều xuống 0% tính từ mức MFN (khoảng 12%) theo lộ trình 3-7 năm.

BVS nhận định rằng, trong một vài năm đầu thực hiện EVFTA, phần lớn các sản phẩm may mặc sẽ chưa được hưởng lợi từ EVFTA (do mức thuế giảm từ 12% vẫn sẽ cao hơn mức 9% theo GSP). Nhưng khi lộ trình cắt giảm thuế kết thúc, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam sẽ hưởng lợi đáng kể từ EVFTA do các ưu đãi thuế quan theo EVFTA là ổn định và giảm dần xuống 0%. Bên cạnh đó, phần lớn các nước xuất khẩu dệt may vào EU hiện nay đều chưa có FTA với EU do vậy nếu các doanh nghiệp Việt đáp ứng được yêu cầu về xuất xứ thì EVFTA mở ra cơ hội rất lớn cho xuất khẩu dệt may Việt Nam.

Bất lợi trong ngắn hạn đối với ngành giày dép

EU cam kết loại bỏ thuế nhập khẩu ngay khi hiệp định có hiệu lực cho 37% số dòng thuế ngành giày dép. Số còn lại sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu theo lộ trình từ 3 đến 7 năm.

Nhóm sản phẩm giày dép được EU cam kết loại bỏ thuế ngay là các sản phẩm mà Việt Nam ít gia công hoặc xuất khẩu vào EU. Do vậy, theo BVS thì Việt Nam dự kiến sẽ ít được hưởng lợi từ nhóm cam kết này.

Với nhóm sản phẩm EU cam kết loại bỏ thuế theo lộ trình từ 3-7 năm bao gồm phần lớn các sản phẩm giày dép mà Việt Nam đang xuất khẩu sang EU. Hiện tại, nhóm này đang được hưởng mức thuế ưu đãi trung bình là 3-4% theo GSP. Và khi EVFTA có hiệu lực, GSP sẽ tự động chấm dứt, các mức thuế nhập khẩu đối với giày dép sẽ giảm dần đều xuống 0% tính từ mức MFN (khoảng 12.4%) theo lộ trình 3- 7 năm.

Như vậy, dựa theo kết luận của BVS, trong một vài năm đầu thực hiện EVFTA, phần lớn các sản phẩm giày da sẽ không được hưởng lợi từ EVFTA, thậm chí là bị ảnh hưởng bất lợi (do mức thuế giảm dần đều từ mức 12.4% vẫn sẽ cao hơn mức 3-4% theo GSP).

Ngành sữa “đứng ngoài cuộc vui”

Theo BVS, mặc dù EU sẽ xóa bỏ toàn bộ thuế quan lên các sản phẩm sữa của Việt Nam sau khi hiệp định EVFTA có hiệu lực, các doanh nghiệp sữa của Việt Nam gần như không được hưởng lợi gì từ việc này do EU vẫn chưa cấp phép nhẩu khẩu sữa có xuất xứ từ Việt Nam.

Thêm vào đó, việc hiệp định EVFTA có hiệu lực sẽ tạo sức ép canh tranh lên các doanh nghiệp sữa của Việt nam do phải cạnh tranh với các sản phẩm sữa nhập khẩu từ EU vốn có ưu thế về chất lượng, dinh dưỡng và độ an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng.

Tuy nhiên, áp lực này hiện chưa đáng kể, do các sản phẩm sữa mà Việt Nam hiện nhập khẩu khá nhiều từ EU bao gồm: bơ, pho mát, sữa bột và kem dạng bột. Các sản phẩm này đang chiếm tỷ trọng nhỏ trong tiêu thụ các sản phẩm sữa ở thị trường Việt Nam.

Lợi thế lớn về giá cho ngành rau quả

EU cam kết mở cửa rất mạnh cho rau quả Việt Nam trong EVFTA, theo đó, ngay khi hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ 94% trong tổng số 547 dòng thuế rau quả và các chế phẩm từ rau quả, 24 dòng thuế chịu áp thuế “giá nhập cảnh”, 08 dòng thuế áp hạn ngạch và 01 dòng thuế duy trì thuế nhập khẩu.

Phần lớn các dòng thuế EU cam kết xóa bỏ ngay hiện đều đang có mức thuế MFN trung bình là trên 10%, cá biệt có những sản phẩm rau quả đang chịu thuế trên 20%. Như vậy, mức cam kết này của EU được đánh giá là sẽ tạo ra lợi thế lớn về giá cho rau quả Việt Nam (đặc biệt trong cạnh tranh nhập khẩu vào EU với các nước có thế mạnh về rau quả chưa có FTA với EU như Thái Lan, Trung Quốc…).

Với lộ trình loại bỏ thuế tương đối dài áp dụng cho phần lớn các sản phẩm rau quả, BVS dự kiến EVFTA sẽ tạo ra khoảng thời gian tương đối để người sản xuất, kinh doanh rau quả Việt Nam thích ứng với việc không còn hàng rào thuế. Bên cạnh đó, sản phẩm mà EU có thế mạnh phần lớn là các loại rau quả ôn đới, ít cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam. Vì vậy, mặc dù cắt giảm, tiến tới loại bỏ thuế đối với rau quả từ mức 10-40% hiện nay với các sản phẩm từ EU sẽ không tạo ra sức ép cạnh tranh quá lớn cho rau quả Việt Nam trên thị trường nội địa.

Đối với các sản phẩm thịt

Theo hiệp định, EU có cam kết mở cửa mạnh cho các sản phẩm chăn nuôi từ Việt Nam. Ngay khi hiệp định có hiệu lực, các dòng thuế đối với động vật sống, thịt trâu bò, thịt lợn sẽ được loại bỏ ngay. Loại bỏ thuế trong vòng 7 năm (một vài trường hợp là 5 năm) đối với các sản phẩm từ gia cầm và một vài sản phẩm chế biến từ bò và lợn. Mức cắt giảm này được xem là tương đối lớn (bởi mức thuế MFN hiện tại mà EU đang áp dụng là khá cao).

Tuy nhiên, BVS cho biết do Việt Nam hiện chủ yếu xuất khẩu các loại trâu, bò, lợn, gà sống trong khi EU chủ yếu nhập khẩu các sản phẩm thịt nên cơ hội thuế quan từ EU chỉ trở thành hiện thực nếu các doanh nghiệp Việt Nam chuyển hướng sang xuất khẩu các sản phẩm mà EU quan tâm.

Ngoài các nhóm ngành được hưởng lợi trực tiếp từ lộ trình cam kết giảm thuế của hiệp định, BVS cũng nhận định ngành logistics, các doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng, doanh nghiệp bất động sản khu công nghiệp,… cũng là những ngành được hưởng lợi gián tiếp.

Đông Phong 

Fili