Cú sốc về GDP Singapore báo điềm chẳng lành về phần còn lại của châu Á

Cú sốc về GDP Singapore báo điềm chẳng lành về phần còn lại của châu Á

Nền kinh tế Singapore có thành quả vô cùng tệ trong quý 2/2019, với mức tăng trưởng thấp nhất trong 1 thập kỷ và thu hẹp mạnh so với quý 1/2019 khi lĩnh vực sản xuất tiếp tục suy yếu, dữ liệu sơ bộ cho thấy trong ngày thứ Sáu (12/07).

So với quý trước, GDP thu hẹp 3.4% trong quý 2/2019, Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore cho biết trong một tuyên bố qua email. Đây là mức thu hẹp hàng quý lớn nhất trong gần 7 năm, kể từ cú giảm 4.1% trong quý 3/2012.

So với cùng kỳ năm trước, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Singapore chỉ tăng 0.1% trong quý 2/2019, thấp hơn dự báo 1.1% từ cuộc thăm dò của Reuters. Đây là mức tăng trưởng GDP thấp nhất trong 10 năm (xét trên giai đoạn 12 tháng).

Con số quý 2/2019 là “khá thảm họa… thấp hơn quá nhiều thậm chí là so với những dự báo tệ nhất”, Selena Ling, Trưởng bộ phận chiến lược tại OCBC Bank, cho biết, đồng thời nói thêm yếu tố tiêu cực là hoạt động sản xuất.

Trong quý 2/2019, hoạt động sản xuất của Singapore thu hẹp 3.8% so với cùng kỳ năm trước, sau khi giảm 0.4% trong quý 1/2019.

Trước đó, các cơ quan chức trách Singapore cho biết họ sẽ đánh giá lại mục tiêu tăng trưởng GDP 1.5%-2.5% của năm 2019 và một số chuyên viên phân tích còn cho rằng có thể xảy ra suy thoái trong năm 2020.

Ling dự báo các cơ quan chức trách sẽ sớm hạ dự báo tăng trưởng năm 2019 xuống 0.5%-1.5%.

Sản lượng thiết bị điện tử - động lực thúc đẩy tăng trưởng của nền kinh tế Singapore trong 2 năm qua - đã giảm trong 6 tháng liên tiếp (tính tới tháng 5/2019), trong khi kim ngạch xuất khẩu giảm mạnh nhất trong hơn 3 năm.

Triển vọng tăng trưởng ảm đạm của Singapore đã thôi thúc các chuyên gia kinh tế cho rằng NHTW Singapore sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ trong cuộc họp chính sách kế tiếp – dự kiến diễn ra vào tháng 10/2019.

Ngân hàng Trung ương Singapore (MAS) đã thắt chặt chính sách tiền tệ hai lần trong năm 2018, trong một nỗ lực kiểm soát áp lực giá ngày càng tăng và củng cố đồng nội tệ.

Đồng Đô la Singapore giảm nhẹ sau thông tin về GDP, chạm mức 1.3585 đổi 1 USD.

Cũng như nền kinh tế Hàn Quốc – vốn đã suy yếu trong quý 1/2019, Singapore thường được xem là phong vũ biểu về nhu cầu toàn cầu khi xét tới mức độ phụ thuộc cao vào hoạt động thương mại thế giới. Ở châu Á và châu Âu, hoạt động sản xuất thu hẹp trong tháng 6/2019.

“Singapore thường là dấu hiệu cảnh báo sớm vì nước này rất cởi mở và nhạy cảm với thương mại”, Chua Hak Bin, Chuyên gia kinh tế tại Maybank Kim Eng Research Pte ở Singapore, cho hay. “Dữ liệu GDP Singapore báo hiệu nguy cơ giảm tốc mạnh tới phần còn lại của châu Á”.

Châu Á là động lực tăng trưởng của thế giới và đóng góp hơn 60% GDP toàn cầu, theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Rob Subbaraman, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu vĩ mô toàn cầu và là đồng trưởng nhóm nghiên cứu thị trường toàn cầu tại Nomura Holdings Inc, cho rằng “con số GDP thấp hơn dự báo quá nhiều báo điềm chẳng lành cho phần còn lại của châu Á”.

Việc Singapore gắn kết quá chặt với chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu khiến họ dễ bị tổn thương trước đà giảm tốc của nền kinh tế thế giới và chiến tranh thương mại. Xuất khẩu của Singapore giảm mạnh trong vài tháng qua. Trong tháng 5/2019, xuất khẩu giảm mạnh nhất kể từ đầu năm 2013.

“Tôi nghĩ con số GDP sẽ tệ, nhưng không ngờ là tệ đến mức này”, Chua cho biết.

Bên cạnh chiến tranh thương mại, sự hạ nhiệt của lĩnh vực công nghệ cũng đang đè nặng lên triển vọng kinh tế Singapore. Khoảng 40% xuất khẩu của Singapore là mạch tích hợp, theo Tuuli McCully, Trưởng bộ phận kinh tế châu Á-Thái Bình Dương tại Scotiabank ở Singapore.

“Sự giảm tốc của lĩnh vực bán dẫn toàn cầu đang thể hiện ở Singapore rõ ràng hơn bất kỳ quốc gia nào trong khu vực”, McCully cho hay.

Vũ Hạo (Theo Reuters)

FiLi