Cận cảnh nhà máy xử lý rác tai tiếng của thiếu gia Tô Công Lý

Cận cảnh nhà máy xử lý rác tai tiếng của thiếu gia Tô Công Lý

Được hưởng nhiều ưu đãi của tỉnh Cà Mau nhưng từ khi đi vào hoạt động năm 2012 đến nay, Nhà máy xử lý rác thải TP Cà Mau vướng nhiều sai phạm.

Nhà máy xử lý rác thải TP Cà Mau có công suất xử lý 200 tấn/ngày đêm. Đây là nhà máy xử lý rác thải duy nhất ở tỉnh Cà Mau với vốn đầu tư trên 329 tỷ đồng.
Ngày 17/8 thiếu gia Tô Công Lý (35 tuổi), Phó tổng giám đốc Công ty TNHH xây dựng - thương mại - du lịch Công Lý bị bắt về hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan đến nhà máy xử lý rác thải này.
Ông Lý bị cáo buộc lợi dụng chính sách hỗ trợ theo Nghị định 04/2009 của Chính phủ về ưu đãi, hỗ trợ hoạt động bảo vệ môi trường để lập hồ sơ thanh toán, chiếm đoạt tiền Nhà nước tại một số hạng mục xây dựng. Trong ảnh là hệ thống xử lý nước thải trong nhà máy hiện đã xuống cấp và bốc mùi hôi.
Nhà máy vẫn hoạt động bình thường sau khi thiếu gia Tô Công Lý bị bắt.
Tuy nhiên, thời gian qua dư luận cho rằng Nhà máy xử lý rác thải TP Cà Mau không tuân thủ xử lý rác thải khi nhập rác vào, mà chỉ cho công nhân lựa phế liệu, phần còn lại được chôn lấp và chứa lại trong khuôn viên.
Năm 2015, nhà máy bảo trì lần đầu, dự kiến bảo trì trong 2 tháng, nhưng 6 tháng mới hoàn thành và mượn quỹ đất khoảng 2,5 ha để trữ rác. Tuy nhiên, đến nay phần rác tồn chưa xử lý xong, còn hàng nghìn tấn trong và ngoài khuôn viên nhà máy. Trong ảnh là một người dân sống bằng nghề lượm ve chai ở bãi rác lộ thiên chưa được xử lý của công ty.
Các bãi rác này hiện chất đống và bốc mùi hôi thối ảnh hưởng tới cuộc sống người dân xung quanh.
Con đường dẫn vào nhà máy rất nhếch nhác, rác thải chất đống hai bên đường.
Năm 2018, Nhà máy xử lý rác thải TP.Cà Mau từng vướng “lùm xùm” liên quan việc không tuân thủ quy trình xử lý rác thải. Quy trình đúng là rác thải qua máy xé, đưa lên băng tải chọn lọc phế liệu (mang đi tái chế). Tiếp theo, rác qua sàng lọc để phân loại rồi chuyển ra 3 loại là rác đem đốt, chôn lấp và phần còn lại là vào ống sinh hóa, ủ vi sinh để sản xuất phân compost. Nhưng thực tế cho thấy rác sau khi qua sàng lọc để phân loại đã không chuyển đi 3 hướng theo quy định mà chỉ chạy qua ống sinh hóa, tách lọc rồi dùng xe chuyển vào nhà kho.
Tháng 8/2019, UBND TP Cà Mau phối hợp Công ty TNHH MTV Môi trường - Đô thị Cà Mau có buổi khảo sát thực tế tại khu vực xung quanh Nhà máy xử lý rác thải Cà Mau. Kết quả cho thấy nguồn nước trong khu vực bãi rác tạm có dấu hiệu ô nhiễm.

Phạm Ngôn

Zing.vn