S&P 500 “bốc hơi” hơn 1.4 ngàn tỷ USD chỉ trong 4 phiên, vì đâu nên nỗi?

S&P 500 “bốc hơi” hơn 1.4 ngàn tỷ USD chỉ trong 4 phiên, vì đâu nên nỗi?

Chỉ cần 4 phiên giao dịch tàn khốc đã thổi bay 1.4 ngàn tỷ USD vốn hóa khỏi chỉ số S&P 500. Từ những nhận định đáng thất vọng của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) về lãi suất trong tương lai, lời đe dọa áp thuế đầy bất ngờ từ Tổng thống Mỹ cho đến đà giảm đột ngột của đồng Nhân dân tệ, chứng khoán Mỹ bị “tẩn nhừ tử” trong khoảng thời gian tương đối ngắn.

Sau đây, CNBC đưa ra lời lý giải cho hiện tượng trên.

Trong ngày thứ Hai (05/08), chỉ số Dow Jones rớt 767 điểm, phiên giảm mạnh thứ 6 từ trước đến nay, khi nhà đầu tư hoảng hồn vì sự leo thang đột ngột trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung. S&P 500 lao dốc hơn 5% trong chưa đầy 1 tuần, trong khi chỉ số đo lường trạng thái biến động CBOE (VIX), thước đo tốt nhất về mức độ sợ hãi trên Phố Wall, tăng lên mức cao nhất trong năm 2019.

Vào đêm ngày thứ Hai (05/08 – giờ Mỹ), có lúc hợp đồng tương lai Dow Jones rớt cực mạnh, ngụ ý chỉ số cơ sở sẽ giảm 600 điểm vào đầu phiên ngày thứ Ba (06/08).

Khởi đầu với Fed…

Mọi chuyện bắt đầu cách đây 4 ngày, vào thời điểm Fed hạ lãi suất lần đầu tiên trong hơn 1 thập kỷ. Trên bề mặt, “dân chứng” Mỹ vẫn hoan nghênh đợt hạ lãi suất của Fed như thường lệ. Thế nhưng, thị trường chứng khoán bắt đầu lao dốc khi Chủ tịch Fed Jerome Powell mô tả đợt hạ lãi suất chỉ là “sự điều chỉnh giữa chu kỳ” – một tín hiệu cho thấy họ có thể chỉ giảm lãi suất 1 hoặc 2 lần thay vì khởi đầu chu kỳ cắt giảm lãi suất kéo dài. Nhận thấy điềm chẳng lành, trader liền đẩy S&P 500 giảm 1% trong ngày hôm đó.

… rồi đến hàng rào thuế quan của ông Trump…

Chứng khoán Mỹ lại một phen hú vía vào ngày kế đó (02/08) khi ông Trump đột ngột chấm dứt đình chiến với Trung Quốc. Trong một dòng tweet vào chiều thứ Năm (01/08), Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo áp thêm thuế 10% lên 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc từ ngày 01/09/2019. Thông tin trên được đưa ra trong ánh mắt ngỡ ngàng của trader vì không lâu trước đó, Nhà Trắng cho biết cuộc đàm phán thương mại ở Thượng Hải mang tính xây dựng. Chỉ số S&P 500 lại giảm thêm 0.9% và khép lại tuần giảm mạnh nhất trong năm 2019.

… đến lượt Trung Quốc phản công

Trung Quốc nhanh chóng đáp trả lại lời đe dọa từ ông Trump. Trong ngày thứ Hai (05/08), Trung Quốc đã để Nhân dân tệ rớt ngưỡng tâm lý quan trọng 7 đổi 1 USD lần đầu tiên kể từ năm 2008. Cùng lúc đó, họ ngừng mua nông sản Mỹ và dọa áp hàng rào thuế quan lên lượng nông sản đã mua từ ngày 03/08/2019. Hoảng sợ càng thêm hoảng sợ, chứng khoán Mỹ lại tụt dốc và khép phiên, S&P 500 “bốc hơi” 3%.

Bán tháo kéo dài đến ngày 06/08

Trong ngày thứ Hai (05/08), Bộ Tài chính Mỹ đã gắn nhãn “thao túng tiền tệ” cho Trung Quốc - một động thái mang tính lịch sử vì Mỹ chưa từng thực thi kể từ chính quyền của cựu Tổng thống Bill Clinton.

“Dưới sự bảo trợ của Tổng thống Donald Trump, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steve Mnuchin hôm nay xác định Trung Quốc là quốc gia thao túng tiền tệ”, Bộ Tài chính Mỹ cho biết. “Kết quả của quyết định này, Bộ trưởng Mnuchin sẽ cùng với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) loại bỏ những lợi thế cạnh tranh không công bằng có được từ những động thái gần đây nhất của Trung Quốc”.

Chính động thái này cũng châm ngòi cho đà giảm mạnh của hợp đồng tương lai chứng khoán Mỹ trong ngày thứ Ba (06/08).

Dow Jones mất đến 767 điểm và nhà đầu tư cũng nhanh chóng chuyển sang các kênh trú ẩn an toàn. Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm dao động dưới mức 1.74% trong ngày thứ Hai (05/08), thấp nhất kể từ tháng 11/2016 khi nhà đầu tư đồng loạt chuyển sang trái phiếu Chính phủ Mỹ. Kênh đầu tư vàng cũng hưởng lợi, giá vàng thế giới tăng mạnh và đạt đỉnh 6 năm.

Khi giải pháp thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc còn chẳng thấy đâu, làn sóng bán tháo tàn khốc hiện nay khó lòng thuyên giảm trong ngắn hạn.

“Tôi tin rằng thị trường bị bán tháo càng mạnh thì khả năng Mỹ hành động để chống lại những tác động từ hàng rào thuế quan càng cao”, Kristina Hooper, Trưởng bộ phận chiến lược thị trường toàn cầu của Invesco, cho biết trong một báo cáo.

Vũ Hạo (Theo CNBC)

FiLi