Sống bế tắc ở Singapore

Sống bế tắc ở Singapore

Singapore giàu có, hiện đại bậc nhất Đông Nam Á, với tỷ lệ sở hữu nhà trên 90%, phúc lợi xã hội cao, nhưng nhiều người vẫn bị mắc kẹt trong giai cấp của họ.

* Tầng lớp 'thìa đất' tuyệt vọng trong xã hội Hàn Quốc

Viện Nghiên cứu Chính sách thuộc Đại học Quốc gia Singapore (NUS) đã thực hiện một cuộc khảo sát đối với 4.015 người trên 18 tuổi trong thời gian từ tháng 8/2018 đến tháng 1/2019. Khi những người tham gia khảo sát được hỏi liệu họ có tin tình hình tài chính cá nhân sẽ được cải thiện trong 10 năm nữa không, hơn 1/2 số người trả lời biến động tài chính là không đáng kể và 1/10 số người nói vận may của họ có thể suy giảm.

Khu Raffles Place tại Quận Tài chính Singapore. Ảnh: AFP.

Tâm lý bi quan này còn tồn tại ở các cấp độ giáo dục khác nhau. Chỉ 44% những người sở hữu bằng cấp hy vọng có thể thăng tiến về tài chính trong một thập kỷ nữa. Tỷ lệ trên giảm xuống còn 40,6% với những người chỉ được đào tạo nghề. Với những người có trình độ học vấn từ trung học trở xuống, như nhân viên giao hàng Alroy Ho, 32 tuổi, 23,8% tin họ có khả năng làm tốt hơn và 10,6% nghĩ họ sẽ thụt lùi.

4 trên 5 người Singapore được South China Morning Post phỏng vấn nói tâm lý bi quan của họ bắt nguồn từ thực tế là mức lương hiện không tương xứng với chi phí và cảm giác rằng tiền lương không có sự phát triển.

Ho chưa tốt nghiệp trung học. Anh dùng một chiếc xe điện để giao hàng với mức thu nhập từ 2.000 đến 3.000 đôla Singapore mỗi tháng, phụ thuộc vào số đơn giao được. Với việc chính phủ giờ đây cấm chạy những phương tiện như của Ho trên lối đi bộ, anh có thể phải thi bằng lái và mua một chiếc xe máy nếu muốn tiếp tục công việc. Điều này càng gây áp lực lên tình hình tài chính vốn đã bấp bênh của anh.

"Tôi thực sự không biết mọi việc sẽ ra sao sau 10 năm nữa. Chỉ cần hỏi tôi hai năm nữa ra sao thôi, tôi đã không biết mình sẽ tồn tại như thế nào rồi", Ho nói. "Singapore là một quốc gia giàu có nhưng phát triển quá nhanh và không phải ai cũng bắt kịp được tốc độ đó".

Những người có bằng cấp như Beatrice B, 24 tuổi, biên tập viên cho một tạp chí, cùng chung cảm nhận với Ho. Thu nhập của cô là gần 3.000 SGD (xấp xỉ 2.200 USD) mỗi tháng và Beatrice đang phải trả khoản vay đại học 28.700 SGD (21.000 USD) sau 4 năm dùi mài để lấy tấm bằng cử nhân nghệ thuật. Cô cố lạc quan về tương lai nhưng chi phí sinh hoạt quá cao, trong khi lương lại tăng quá chậm. "Tôi thấy ngột ngạt", Beatrice chia sẻ.

Beatrice hiện sống cùng cha mẹ trong một căn hộ 4 phòng "vì không còn cách nào khác". Cô hy vọng mức lương có thể sớm được cải thiện bởi "khối lượng công việc quá lớn".

Nur Ain Hamid, 31 tuổi, học nghề tại Viện Giáo dục Kỹ thuật Singapore và đang thất nghiệp. Dù vậy, cô lạc quan hơn Beatrice. Người mẹ đơn thân của 4 đứa con, tuổi từ 3 đến 10, sắp tái hôn với người chồng mới là một nhân viên kỹ thuật.

Nur và các con đang sống với hai người anh chị bị khuyết tật và có vấn đề về sức khỏe trong một căn hộ ba phòng. Họ sống qua ngày dựa vào khoản trợ cấp khuyết tật 1.050 SGD mỗi tháng của người anh và tiền rút từ Quỹ Tiết kiệm Trung ương của người chị.

Nur hy vọng sau khi cô tái hôn, trở lại làm việc, đến lúc các con cô khôn lớn, đủ sức tự lập, cuộc sống của cô sẽ được cải thiện. Nhưng Nur cho biết cô không bao giờ nghĩ đến việc trở nên giàu có mà chỉ mong thoát nghèo. "Bây giờ, nếu các con ốm, tôi không biết phải xoay xở thế nào", Nur nói.

Khi được hỏi vì sao nhiều người dân Singapore lại có cảm giác bất an về tương lai như vậy, giới học giả cho rằng đây là kết quả tất yếu của một nền kinh tế trưởng thành.

"Thời kỳ tăng trưởng thần kỳ đã qua. Các chính sách phổ biến rộng rãi về nhà ở và giáo dục đại chúng trong quá khứ nay nhường chỗ cho sự phân tầng lớn hơn", Irene Ng, phó giáo sư xã hội học tại NUS, nhận xét.

Từ khi giành độc lập vào năm 1965 tới năm 1973, mức tăng trưởng trung bình GDP hàng năm của Singapore đạt 12,7%. Ngay cả ở giai đoạn tăng trưởng chững lại từ năm 1973 đến 1979, nó vẫn đứng ở 8,7%, mức tương đối cao. Những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng trung bình chỉ đạt 3% và năm nay, với ảnh hưởng từ cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, tăng trưởng hàng năm dự kiến rơi xuống mức dưới 1%.

Nhà xã hội học Tan Ern Ser từ NUS cho hay trong những năm 1970 và 1980, rất nhiều người từ nghèo khó đã tự vươn lên gia nhập tầng lớp trung lưu nhưng ngày nay, mọi thứ trở nên khó khăn hơn khi mà bằng cấp không còn quá nhiều giá trị như trước đây và nền kinh tế thường xuyên gặp bất ổn, rối loạn.

"Không ngạc nhiên nếu mọi người giờ đây cảm thấy khó khăn khi muốn tiến lên phía trước từ vị trí họ đang đứng, nơi không phải là nghèo đói như trong quá khứ", ông bình luận.

Bộ Phát triển Gia đình và Xã hội Singapore năm ngoái cho biết nước này đã làm tốt hơn hầu hết các quốc gia khác trong nỗ lực dịch chuyển xã hội. Ví dụ, 9 trên 10 học sinh đến từ 20% số hộ gia đình có thu nhập thấp nhất Singapore đã đạt tới ngưỡng giáo dục sau trung học, so với mức 5 trên 10 học sinh cách đây 15 năm.

Tháng trước, Bộ Tài chính Singapore công bố báo cáo về kết quả kinh tế - xã hội theo thế hệ. Báo cáo so sánh người Singapore ở độ tuổi 40 hiện nay với người ở độ tuổi 40 thuộc những thế hệ trước đó và nhận thấy rằng người ở độ tuổi 40 ngày nay "được giáo dục tốt hơn, có khả năng tìm việc cao hơn, thu nhập tốt hơn, tiết kiệm nhiều hơn, sống lâu hơn và khỏe mạnh hơn".

Tuy nhiên, vẫn là vấn đề nếu người Singapore cảm thấy bị mắc kẹt giữa tầng lớp xã hội của họ. Theo Irene Ng, quan điểm của người dân Singapore về chính quyền lâu nay vẫn là họ "hỗ trợ để chúng ta tự giúp bản thân mình". Nếu một bộ phận xã hội cảm thấy họ không thể tiến lên dù đã làm việc chăm chỉ, niềm tin này sẽ tan vỡ.

Thực tế, 37,2% số người được hỏi trong cuộc thăm dò của NUS cho biết nếu các vấn đề kinh tế - xã hội không được giải quyết, nó có thể làm giảm mức độ tin tưởng với chính quyền.

Những tòa nhà chọc trời dọc sông Singapore. Ảnh: AFP.

Giới chuyên gia cho rằng ngoài việc cải thiện những vấn đề cơ bản như cơ hội việc làm, khả năng tiếp cận với giáo dục, nhà ở và nghề nghiệp, chính quyền cũng cần tạo ra nhiều lựa chọn và con đường hơn để người dân phát triển ra bên ngoài chuyên ngành và địa vực của mình.

Phó giáo sư Ng Kok Hoe từ Trường Chính sách Công Lý Quang Diệu tại NUS, đánh giá nếu người dân Singapore cảm nhận rằng các chính sách công "không có sự thay đổi", họ sẽ dễ thấy thất vọng và bi quan.

Irene Ng gợi ý chính quyền nên cân nhắc lại chính sách để tái cân bằng các cơ hội. "Chúng ta có thể kiểm tra tính chuyển dịch đối với mọi chính sách quốc gia, liên kết các kết quả chính sách với tác động của chúng lên sự chuyển dịch xã hội", bà nói.

Teo You Yenn, nhà xã hội học tại Đại học Công nghệ Nanyang, nhận định các chuẩn mực nơi làm việc, các chính sách nhà ở và hạ tầng chăm sóc sức khỏe cần thay đổi để mọi người đều được tương thưởng xứng đáng với đóng góp của họ, bất kể địa vị kinh tế - xã hội.

Với Tan Ern Ser, sự thay đổi trong quan điểm quốc gia cũng là điều cần thiết, tranh xa khỏi Giấc mơ Singapore về sự dịch chuyển đi lên liên tục. "Hãy từ bỏ ý tưởng rằng chúng ta đang đi thang cuốn, chứ đừng nói tới thang máy", ông nhấn mạnh. "Có lẽ, quan trọng hơn cả, họ cần xác định điều gì là 'đủ tốt' với cuộc sống của họ".

Vũ Hoàng

Vnexpress