2.5 tháng đầu năm cả nước xuất siêu trên 2.7 tỷ USD

2.5 tháng đầu năm cả nước xuất siêu trên 2.7 tỷ USD

Nửa đầu tháng 3, kim ngạch xuất khẩu nhập vẫn đang duy trì con số ổn định so với nửa cuối tháng 2/2020 và cùng kỳ 2019. Đáng chú ý, từ đầu năm đến 15/3, nước ta đang xuất siêu trên 2.7 tỷ USD.

* Xuất khẩu của Việt Nam vẫn tăng trong mùa dịch Corona

* Xuất khẩu của Trung Quốc giảm hai chữ số do tác động của dịch COVID-19

Dù tình hình dịch bệnh ngày càng phức tạp nhưng xuất nhập khẩu của Việt Nam vẫn tăng trưởng khá

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan thì 15 ngày đầu tháng 3 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đã đạt hơn 21 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu đạt 11.2 tỷ USD, nhập khẩu đạt 10.3 tỷ USD.

Như vậy, nửa đầu tháng này nước ta tiếp tục xuất siêu gần 1 tỷ USD. Từ đầu năm đến 15/3, nước ta đang xuất siêu trên 2.7 tỷ USD. Dù đang thời kỳ đại dịch Covid-19 nhưng kim ngạch cả xuất khẩu và nhập khẩu nửa đầu tháng 3 không có nhiều biến động so với nửa cuối tháng 2 trước đó hoặc cùng kỳ tháng 3/2019. Thậm chí kim ngạch nhập khẩu trong nửa đầu tháng 3 còn tăng mạnh hơn tới 15.3% so với nửa cuối tháng 2.

Điện thoại và linh kiện tiếp tục duy trì vị thế số 1 các mặt hàng xuất khẩu với kim ngạch hơn 10.2 tỷ USD, tăng 8.5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Bộ Công Thương nhận định, xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong ngắn hạn dự báo sẽ có nhiều khó khăn với những yếu tố bất lợi do diễn biến tình hình dịch bệnh đang có dấu hiệu lây lan mạnh bên ngoài Trung Quốc, đặc biệt là tại Hàn Quốc và Nhật Bản - những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam. Trong trường hợp dịch bệnh kéo dài có thể tác động tiêu cực tới mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu của cả năm 2020.

Bên cạnh đó, những tác động của Covid-19 không chỉ khiến xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc gặp nhiều khó khăn mà còn ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động thương mại của Việt Nam với các thị trường khác. Nguyên nhân là hầu hết nguyên liệu sản xuất của Việt Nam như may mặc, linh kiện điện tử được nhập khẩu từ Trung Quốc. Trong khi đó, việc Mỹ đưa Việt Nam ra khỏi danh sách các nước được hưởng quy chế quốc gia đang phát triển cũng sẽ ảnh hưởng nhất định đến xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường này trong thời gian tới.

Tuy nhiên, bên cạnh những khó khăn, thách thức, động lực cho tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam có thể đến từ Hiệp định EVFTA. Ngày 12/2/2020, Nghị viện châu Âu (EP) đã bỏ phiếu thông qua Hiệp định thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam - EVFTA, và Hiệp định bảo hộ đầu tư (EVIPA). Hiệp định EVFTA được coi là đòn bẩy cho tăng trưởng, mở ra cơ hội lớn thâm nhập thị trường quy mô GDP tới 18.000 tỷ USD. EVFTA dự kiến sẽ có hiệu lực vào tháng 7/2020.

Bên cạnh đó, CPTPP cũng được đánh giá là FTA thế hệ mới, được cam kết ở mức rất cao. Rất nhiều mặt hàng Việt Nam có thế mạnh, có thể XK hiệu quả vào các khu vực này như dệt may, giày dép, điện thoại, thủy hải sản…

Bảo Ngọc

Congthuong