Bộ Công Thương nêu lý do 'không tiếp thu' Bộ Tài chính về xuất khẩu gạo

Bộ Công Thương nêu lý do 'không tiếp thu' Bộ Tài chính về xuất khẩu gạo

Bộ Công Thương cho biết góp ý của Bộ Tài chính về phân loại gạo xuất khẩu và đấu thầu hạn ngạch "không hợp lý" trong bối cảnh này.

* Đề nghị Bộ Công an điều tra có hay không tiêu cực trong xuất khẩu gạo

* Điều hành xuất khẩu gạo giật cục làm khó doanh nghiệp

* Phó Thủ tướng yêu cầu báo cáo việc mở tờ khai xuất khẩu gạo

Trong hai lần góp ý cho Bộ Công Thương, Bộ Tài chính đề xuất chỉ cho phép xuất khẩu gạo nếp, gạo đồ, hữu cơ, thơm và tiếp tục dừng xuất khẩu gạo tẻ đến hết 15/6 để "bảo đảm mua gạo dự trữ quốc gia". Sau khi dự trữ quốc gia đã mua đủ số lượng gạo theo kế hoạch, sẽ tiếp tục điều hành xuất khẩu "linh hoạt, chặt chẽ, phù hợp thực tế".

Giải thích trong văn bản gửi Thủ tướng ngày 20/4 về việc không tiếp thu góp ý của Bộ Tài chính, Thứ trưởng Công Thương Trần Quốc Khánh nêu, cấm xuất khẩu gạo để buộc người dân, doanh nghiệp phải bán gạo cho dự trữ quốc gia là "việc không nên làm". Cách giải quyết phù hợp nhất là tiếp tục cho xuất khẩu gạo (gồm cả gạo tẻ) nhưng kiểm soát chặt, minh bạch số lượng để bảo đảm an ninh lương thực trong bối cảnh Covid-19, xâm nhập mặn.   

Nông dân thị xã Ngã Năm (Sóc Trăng) thu hoạch lúa vụ Đông Xuân ngày 10/3/2020. Ảnh: Nguyệt Nhi.

Ngoài ra, dừng xuất khẩu trên cơ sở phân biệt gạo tẻ và các loại gạo khác có thể dẫn đến rủi ro về đạo đức và là mảnh đất màu mỡ cho lợi ích nhóm, tham nhũng phát triển. "Bằng mắt thường, rất khó phân biệt giữa gạo tẻ loại cấm xuất khẩu và gạo thơm loại được phép xuất khẩu", Bộ Công Thương nêu.

Để giảm thiểu rủi ro, hải quan sẽ tốn thời gian và tiền bạc để kiểm tra, trưng cầu giám định chủng loại gạo cho từng lô xuất khẩu.

Một trong những bất đồng giữa hai bộ còn ở phương thức đăng ký tờ khai hải quan. Theo quyết định của Bộ Công Thương sau khi nối lại xuất khẩu gạo, việc quản lý hạn ngạch được xác định theo nguyên tắc thương nhân đăng ký tờ khai hải quan trước sẽ trừ vào hạn ngạch xuất khẩu trước. Sau khi triển khai, doanh nghiệp phản ánh bị gây thêm khó khăn, như yêu cầu doanh nghiệp mở 100% container để kiểm soát, cân toàn bộ các container gạo kiểm tra trọng lượng... khiến chi phí tăng cao. Bộ Tài chính cho rằng, phương thức này khiến doanh nghiệp không chủ động phương án kinh doanh.

Nhưng Bộ Công Thương thì giải thích, trong các văn bản trả lời góp ý trước đó Bộ Tài chính hay Tổng cục Hải quan đều không đề cập tới bất cập này. Và trước khi quyết định phương án điều hành, tham mưu trình Chính phủ, Bộ Công Thương đã tham vấn ý kiến Tổng cục Hải quan một lần nữa về tính khả thi của giải pháp này.

Cho rằng mọi phương thức điều hành hạn ngạch đều có điểm thuận, không thuận, Bộ Công Thương nhìn nhận, phương án họ đưa ra "tương đối công bằng, công khai, minh bạch, dễ thực hiện, dễ giám sát, khó phát sinh các rủi ro về đạo đức cũng như tham nhũng, lợi ích nhóm". 

Phương thức đăng ký tờ khai xuất trước nếu được bàn bạc, phối hợp nghiêm túc với các Bộ như chỉ đạo của Thủ tướng và bổ sung thêm một số giải pháp kỹ thuật như bắt buộc phải khai báo đồng thời tên tàu và số hiệu container trên tờ khai online... sẽ giảm đáng kể tình trạng khai giữ chỗ. 

Bộ Tài chính còn đề xuất cho đấu thầu hạn ngạch xuất khẩu gạo tháng 5. Nhưng Bộ Công Thương đánh giá, đấu thầu hạn ngạch trên thực tế là bán hạn ngạch để thu tiền vào ngân sách. Bối cảnh dịch bệnh khó khăn, không nên đưa hạn ngạch gạo ra bán để thu tiền. Chưa kể, việc này mất thời gian tổ chức, làm thủ tục, thẩm định hồ sơ... khoảng 15-20 ngày, không phù hợp với yêu cầu của Chính phủ phải giảm thiểu việc gián đoạn chuỗi sản xuất lúa gạo. 

Mặt khác, đấu thầu hạn ngạch sẽ khiến các doanh nghiệp lớn, có tiềm lực tài chính, trúng toàn bộ, tước đi cơ hội của các doanh nghiệp nhỏ. "Không loại trừ khả năng xuất hiện tình trạng bán lại hạn ngạch trúng thầu cho các doanh nghiệp nhỏ thông qua các hợp đồng "nhận ủy thác" để ăn chênh lệch như đã từng xảy ra trước đây", Bộ Công Thương cho biết. 

Do đó, Bộ Công Thương đánh giá điều hành đăng ký tờ khai trước xuất trước vẫn là tối ưu so với các cơ chế Bộ Tài chính đề xuất.

Tại cuộc họp hôm qua (20/4), Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ Công Thương và Tài chính "nghiêm túc rút kinh nghiệm" trong phối hợp điều hành xuất khẩu gạo. Trước mắt, ông yêu cầu cho xuất khẩu gạo nếp trở lại, ứng trước 100.000 tấn từ hạn ngạch xuất khẩu tháng 5 để xuất số gạo tồn ở cảng của các doanh nghiệp bị "hụt" mở tờ khai.

Ngày 23/3, Chính phủ cho dừng xuất khẩu gạo, theo đề xuất của Bộ Công Thương nhằm đảm bảo an ninh lương thực khi Covid-19 diễn biến phức tạp. Lập tức, 0h ngày 24/3, hải quan dừng thông quan tất cả lô hàng. Đến cuối ngày 24/3, Bộ Công Thương lại kiến nghị Thủ tướng cho xuất khẩu gạo trở lại. Ngày 10/4, Thủ tướng ký quyết định xuất khẩu gạo theo hạn ngạch 400.000 tấn tháng 4. Nhiều doanh nghiệp cho biết, hải quan cho mở tờ khai xuất khẩu lúc 0 giờ ngày chủ nhật (12/4) mà không báo trước khiến nhiều đơn vị có lượng gạo lớn nhưng bị lưu tại cảng "hụt" xuất khẩu. 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã yêu cầu Thanh tra Chính phủ thanh tra đột xuất việc xuất khẩu gạo. Bộ Tài chính cũng đề nghị Bộ Công an vào cuộc, xác minh việc xuất khẩu gạo vừa qua để đảm bảo khách quan. Trước đó, Bộ Công Thương cũng lập đoàn kiểm tra việc xuất khẩu gạo trong 4 ngày (20-24/4).

Anh Minh

Vnexpress