Việt Nam thiệt hại 12 tỷ USD vì các vụ kiện phòng vệ thương mại

Việt Nam thiệt hại 12 tỷ USD vì các vụ kiện phòng vệ thương mại

Hết tháng 9, Việt Nam đã bị các nước khởi xướng điều tra gần 200 vụ việc phòng vệ thương mại, với kim ngạch ảnh hưởng là 12 tỷ USD.

Các biện pháp phòng vệ thương mại, bao gồm chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ, được Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), các Hiệp định thương mại tự do (FTA) cho phép các thành viên sử dụng để hỗ trợ các nền kinh tế, các ngành sản xuất trong quá trình tự do hóa.

Bộ Công Thương cho biết, số lượng và kim ngạch các vụ kiện phòng vệ thương mại đang tăng nhanh. Chỉ trong 9 tháng đầu năm, 32 vụ việc mới được khởi xướng, gấp đôi cả năm ngoái.

Đa số hàng hoá bị điều tra phòng vệ thương mại là những mặt hàng Việt Nam có lợi thế sản xuất, như kim loại (nhôm, thép dẹt, thép ống), sợi, thuỷ sản (tôm, cá), gỗ dán, vật liệu xây dựng (gạch, kính, thiết bị vệ sinh)...

Các thị trường thường xuyên điều tra phòng vệ thương mại với hàng xuất khẩu Việt Nam là Mỹ, Ấn Độ, châu Âu, Thổ Nhĩ Kỳ, Canada và Australia. 62% các vụ việc bị điều tra đến từ những nước này. Đặc biệt, gần đây các nước ASEAN cũng tích cực điều tra phòng vệ thương mại với Việt Nam, với tỷ lệ là 20%.

Dù vậy, Bộ Công Thương thông tin, Việt Nam đã kháng kiện thành công, tức không bị áp thuế, chấm dứt áp dụng biện pháp, đối với 65/151 vụ. Nhiều mặt hàng như thủy sản, sắt thép, gỗ, dù bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại, nhiều doanh nghiệp chỉ bị áp mức thuế 0% hoặc rất thấp, giúp duy trì và tăng trưởng xuất khẩu, đặc biệt sang các thị trường lớn như Mỹ, châu Âu, Canada.

Việc sử dụng và ứng phó với các biện pháp này đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả của tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt là tham gia các FTA thế hệ mới như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), FTA giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA).

Trong bối cảnh Covid-19 tác động tiêu cực tới kinh tế toàn cầu, mâu thuẫn thương mại giữa nhiều nền kinh tế vẫn phức tạp, xu thế sử dụng các biện pháp này để bảo hộ sản xuất tiếp tục gia tăng. Theo thống kê của WTO, các biện pháp này đang tác động tới khoảng 1.500 tỷ USD kim ngạch thương mại toàn cầu.

Bộ Công Thương khuyến cáo doanh nghiệp xây dựng chiến lược xuất khẩu theo hướng đa dạng hoá thị trường, tránh phát triển quá "nóng" vào một nơi. Doanh nghiệp cần tăng cường cạnh tranh bằng chất lượng, hạn chế cạnh tranh bằng giá. Doanh nghiệp nên trang bị kiến thức cơ bản về pháp luật phòng vệ thương mại, chuẩn bị nguồn lực để đối phó trước nguy cơ bị kiện. Đồng thời, doanh nghiệp phải tuân thủ chặt chẽ các quy định về chứng nhận xuất xứ, không tiếp tay cho các hành vi gian lận xuất xứ, lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại.

Phương Ánh

Vnexpress