Chi phí cố định đang 'bóp nghẹt' các hãng hàng không

Chi phí cố định đang 'bóp nghẹt' các hãng hàng không

Dự kiến năm nay, các hãng hàng không Việt Nam sẽ hụt doanh thu khoảng 4 tỉ đô la Mỹ. Các hãng rơi vào tình trạng thâm hụt dòng tiền nghiêm trọng, vừa thua lỗ hoặc lợi nhuận thấp nhưng phải đối mặt với chi phí cố định tăng cao vì bị Covid-19 tàn phá.

Các hãng hàng không Việt Nam vẫn gặp nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19 kéo dài và diễn biến phức tạp trên thế giới. Ảnh: TTXVN

Bộ Tài chính cho biết trong một báo cáo gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội tuần trước về thiệt hại của ngành hàng không là rất nghiêm trọng. Số lượng khách hàng và số lượng chuyến bay đều sụt giảm.

Theo báo cáo của riêng một hãng là Vietnam Airlines thì tính đến hết năm 2020, số chuyến bay toàn mạng giảm 32,7 ngàn chuyến bay, giảm 88,2% so với kế hoạch. Khách vận chuyển giảm khoảng 5,67 triệu khách, giảm 89,3% cũng so với kế hoạch. Tính chung 10 tháng năm nay, khách quốc tế giảm gần 74% so với cùng kỳ năm trước. Các doanh nghiệp hàng không bị sụt giảm mạnh về doanh thu và thua lỗ, nếu chỉ kinh doanh hàng không là ngành nghề chính.

Tính đến hết sáu tháng đầu năm, Vietnam Airlines đã lỗ 6.563 tỉ và dự kiến cả năm sẽ lỗ 15 ngàn tỉ đồng. Dòng tiền cũng âm chừng 15 đến 16 ngàn tỉ đồng.

Đối với Vietjet Air, theo báo cáo tài chính quí 2 của công ty mẹ, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của hãng chưa đến 2.000 tỉ đồng, giảm 80% so với cùng kỳ năm trước vì dịch bệnh. Hết quí 2, hãng cũng âm lợi nhuận sau thuế 1.122 tỉ đồng.

Bamboo Airways không công bố báo cáo tài chính riêng cho hãng mà nằm chung trong báo cáo tài chính của công ty mẹ là FLC nhưng chắc chắn cũng thua lỗ, dù quy mô nhỏ hơn hai hãng Vietnam AirlinesVietjet nhiều lần.

Tổng thị trường hàng không Việt Nam năm nay sẽ mất doanh thu khoảng 4 tỉ đô la Mỹ, bất chấp thị trường nội địa đã phục hồi được 90% trong vài tháng gần đây.

Thua lỗ nhưng chi phí cố định mà các hãng phải chi trả rất lớn. Các chi phí này bao gồm: chi phí thuê máy bay, chi phí bãi đỗ... Chưa tính các chi phí nhân công và các chi phí thường xuyên khác. Cụ thể, chi phí thuê máy bay mỗi tháng của Vietnam Airlines là 30 triệu đô la, của Vietjet Air là 20 triệu đô la. Chi phí đậu đỗ sân bay mỗi tháng của Vietnam Airlines là 6 tỉ đồng, của Vietjet Air là 3,6 tỉ đồng và của Bamboo Airways là 1,24 tỉ đồng.

Chính phủ đã lên kế hoạch đề nghị cắt giảm các chi phí cố định cho các hãng sâu hơn nữa như kéo dài thời gian giảm thuế bảo vệ môi trường đến hết 2021, giảm 50% phí cất hạ cánh nội địa, phí điều hành bay nội địa đết hết năm 2021 để kéo dài sự sống cho các hãng.

Vietjet Air cho biết, năm nay, hãng sẽ tập trung mạnh các giải pháp tiết kiệm, cắt giảm chi phí nhân công, đàm phán giảm giá với các nhà cung cấp dịch vụ, gia tăng nguồn thu chở hàng...

Trong khi đó, Vietnam Airlines cũng cắt giảm chủ động 5.335 tỉ đồng chi phí cố định từ đầu năm đến nay để siết chặt chi tiêu. Đồng thời với các biện pháp như Vietjet, hãng còn chủ động đàm phán tái cơ cấu các khoản nợ hoặc đơn phương giãn nợ... để tiết giảm chi phí chi trả nợ.

Riêng về chi phí cố định thuê máy bay chiếm phần lớn chi phí cố định của các hãng hàng tháng là khoản khó cắt giảm nhất do đa số máy bay của các hãng là thuê dài hạn, hoạt động hay không vẫn phải trả phí thuê thiết bị và chi phí đỗ. Một số hãng có thể đàm phán chuyển qua hình thức thuê theo mùa vụ nhưng giá thuê theo mùa vụ rất đắt và việc đàm phán lại không phải lúc nào cũng đi đến thành công.

Lan Nhi

TBKTSG