Nguồn cung điện giữa các vùng miền mất cân đối

Nguồn cung điện giữa các vùng miền mất cân đối

Theo Bộ Công Thương, miền Bắc và Trung thừa cung điện, còn miền Nam chỉ được đáp ứng khoảng 80% nhu cầu.

Báo cáo về ngành điện năm 2020, Bộ Công Thương thừa nhận vẫn còn nhiều vấn đề. Thứ nhất là việc lập và thực hiện quy hoạch điện vẫn còn bất cập. Theo đó, nhiều dự án nguồn điện chậm tiến độ so với quy hoạch, ảnh hưởng lớn đến việc đảm bảo cung ứng điện.

Tổng công suất các nguồn điện truyền thống có thể đưa vào vận hành trong giai đoạn 2016-2020 chỉ đạt gần 60% so với quy hoạch. Bộ Công Thương cũng cho biết, đã xảy ra tình trạng mất cân đối nguồn cung điện giữa các vùng miền. "Miền Bắc và Trung thừa cung, trong khi đó, ở miền Nam nguồn cung chỉ đáp ứng được khoảng 80% nhu cầu", bộ này nêu.

Công nhân Công ty truyền tải điện 3 sửa chữa trên đường dây. Ảnh: H.Thu.

Thứ hai, với nguồn điện từ năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương nhận xét, tốc độ phát triển nhanh nhưng hệ thống truyền tải điện để giải toả công suất phát triển chưa đồng bộ.

Một số dự án điện, chủ yếu điện mặt trời, trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận, có tổng công suất khoảng 690 MW đã phải hạn chế một phần công suất phát. Tình trạng này phải đến cuối năm ngoái mới được giải quyết khi các công trình điện truyền tải ở khu vực này như TBA 220 kV Phan Rí, TBA 220 kV Ninh Phước, mạch 2 đường dây 110 kV Tháp Chàm - Tuy Phong - Phan Rí, ..., đặc biệt là trạm biến áp 500 kV Thuận Nam và các đường dây 500 kV, 220 kV đi vào vận hành.

Thứ ba là việc đảm bảo nhiên liệu cho phát điện phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu. Bộ Công Thương ước tính Việt Nam cần nhập khoảng 60 triệu tấn than và 12 triệu tấn LNG vào năm 2030. Cơ quan này lưu ý, việc nhập khẩu năng lượng sơ cấp với khối lượng lớn nếu không có chiến lược phù hợp có thể tiềm ẩn rủi ro cho an ninh năng lượng.

Ngoài ra, Bộ Công Thương cho biết, việc huy động vốn cho các dự án điện gặp nhiều khó khăn. Trung bình mỗi năm nhu cầu vốn đầu tư cho nguồn và lưới điện khoảng 8-10 tỷ USD. Nhiều tập đoàn nhà nước gặp khó khăn về tài chính nên việc huy động vốn cho các dự án của những doanh nghiệp này cũng không dễ. Các dự án nguồn điện do tư nhân và nhà đầu tư nước ngoài chung cảnh ngộ do yêu cầu cao từ các bên cho vay.

Trong năm 2021, Bộ Công Thương cho biết, sẽ đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định. Bộ sẽ chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các đơn vị liên quan đảm bảo đúng tiến độ đầu tư, xây dựng các công trình nguồn điện, lưới điện, đặc biệt là các công trình phục vụ giải tỏa công suất phát của các nguồn điện năng lượng tái tạo (gió, mặt trời). Ngoài EVN, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cũng phải đảm bảo tiến độ các công trình trọng điểm.

Bộ Công Thương sắp tới sẽ hoàn thiện cơ chế đấu thầu dự án điện gió, điện mặt trời, sớm triển khai thực hiện cơ chế đấu thầu; xây dựng và triển khai Chiến lược phát triển ngành điện lực Việt Nam cho giai đoạn mới; hoàn thành xây dựng Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, có xét đến 2045...

Đức Minh

Vnexpress