EVS: Thị trường điều chỉnh quá đà là cơ hội tốt để nhà đầu tư dài hạn tăng tỷ trọng

EVS: Thị trường điều chỉnh quá đà là cơ hội tốt để nhà đầu tư dài hạn tăng tỷ trọng

Trong báo cáo chiến lược tháng 5, CTCK Everest (EVS) đánh giá VN-Index có upside tăng trưởng từ nay đến cuối năm trong cả 3 kịch bản tích cực, cơ bản và tiêu cực. EVS cho rằng thời gian qua, thị trường chung đã điều chỉnh quá đà và đây là cơ hội rất tốt để các nhà đầu tư dài hạn tăng tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục tài sản đầu tư.

Trong tháng 5, thị trường liên tục giảm điểm đã khiến thanh khoản giảm mạnh, trung bình mỗi phiên với tổng giá trị giao dịch đạt 18,749.86 tỷ đồng - giảm 29% so với tháng trước và 27% so với cùng kỳ. Diễn biến giao dịch trên cả 3 sàn đều sụt giảm mạnh và đều về dưới giá trị giao dịch trung bình phiên của cả năm 2021, với HOSE, HNX và UPCoM lần lượt giảm 27%, 36% và 48% so với tháng trước.

Trụ đỡ cho thanh khoản của thị trường vào các tháng vừa qua là các NĐT cá nhân trong nước đã cho thấy sự suy yếu rõ rệt. Trong tháng 5, nhóm NĐT cá nhân trong nước ghi nhận mức bán ròng 2,651 tỷ đồng - đẩy tỷ trọng NĐT cá nhân trong cơ cấu giao dịch của thị trường xuống xấp xỉ 81.3% - mức thấp nhất trong hơn 1 năm trở lại đây. Tâm lý hoảng loạn khi thị trường sụt giảm mạnh là yếu tố không thể tránh khỏi đối với nhóm NĐT cá nhân. Ở chiều ngược lại, nhóm tổ chức nước ngoài lại cho thấy sức mua mạnh mẽ khi đã mua ròng trong tháng 4 tổng cộng 1,641 tỷ đồng - gia tăng tỷ trọng của họ trong cơ cấu giao dịch thị trường lên 9.29%.

EVS cho rằng xu hướng này sẽ là chủ đạo trong thời gian tới khi tâm lý NĐT cá nhân trong nước cần hồi phục và lấy lại niềm tin sau một tháng đầy biến động vừa qua; cùng với đó là xu hướng mua ròng của nhóm tổ chức nước ngoài tiếp tục được duy trì khi thị trường đang về các mức định giá thấp trong lịch sử.

Nguồn: EVS

Hiện, P/E trượt thị trường đang vào khoảng 12.6-12.8 lần (tương đương mức P/E forward 11 lần với tốc độ tăng trưởng EPS 25%).

EVS điều chỉnh kịch bản cơ sở với P/E kỳ vọng năm 2022 là 14.01 lần, đồng thời nâng tốc độ tăng trưởng lợi nhuận lên mức 25% (so với dự phóng 22% đầu năm). Theo đó, VN-Index năm 2022 có thể đạt 1,514 điểm - dự phóng giảm khoảng 150 điểm so với kịch bản cơ sở đầu năm EVS đưa ra là 1,663 điểm.

Đối với kịch bản tích cực, Việt Nam nhanh chóng vượt qua những khó khăn vĩ mô, tiếp tục chính sách nới lỏng giúp doanh nghiệp phục hồi sản xuất mạnh mẽ cũng như dòng tiền thông minh sớm quay trở lại thị trường, PE năm 2022 quay về mức 16.43, tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết lên mức 27%. VN-Index năm 2022 có thể đạt 1,755 điểm.

Đối với kịch bản tiêu cực, các yếu tố vĩ mô xấu đi nhanh chóng, doanh nghiệp gặp khó khăn khi đối mặt chi phí đầu vào tăng cao, nhà đầu tư cá nhân rút tiền khỏi thị trường, khối ngoại quay lại bán ròng, PE quay về vùng 10.36, tăng trưởng lợi nhuận 22%. VN-Index năm 2022 duy trì ở mức 1,270.

Có thể thấy với cả 3 kịch bản, VN-Index đều có upside tăng trưởng từ nay đến cuối năm. EVS cho rằng thời gian qua, thị trường chung đã điều chỉnh quá đà và đây là cơ hội rất tốt để các nhà đầu tư dài hạn tăng tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục tài sản đầu tư.

Trên quan điểm kỹ thuật, VN-Index tháng 5 tiếp tục giảm sâu về vùng 1,172 điểm với biên độ lớn, khối lượng giao dịch giảm dần. Tuy nhiên, việc VN-Index giảm rất sâu trong thời gian ngắn sẽ kích thích dòng tiền thông minh giải ngân vào các cổ phiếu được định giá hấp dẫn. Bên cạnh đó, chỉ báo RSI cũng cho thấy tín hiệu thị trường đang rơi về vùng quá bán và là tín hiệu nhịp giảm sẽ sớm kết thúc. EVS đánh giá thị trường có thể tạo đáy quanh vùng 1,167 điểm nếu xuất hiện lực cầu đủ mạnh và sớm quay lại lấp GAP vùng 1,320 điểm trong thời gian tới.

Đông Tư

FILI