Góc nhìn 17/05: VN-Index có thể về ngưỡng hỗ trợ 1,100 điểm?

Góc nhìn 17/05: VN-Index có thể về ngưỡng hỗ trợ 1,100 điểm?

Các công ty chứng khoán (CTCK) đánh giá thị trường đang thiếu vắng thông tin hỗ trợ để có thể tăng điểm trở lại. Dao động trong biên độ lớn của chỉ số cho thấy quá trình dò đáy vẫn chưa kết thúc. Ngưỡng hỗ trợ tiếp theo của VN-Index là vùng 1,100.

Định giá đã hấp dẫn với nhà đầu tư dài hạn?

CTCK Sài Gòn - Hà Nội (SHS): Hiện tại định giá của thị trường đã về mức khá hấp dẫn với P/E VN-Index khoảng gần 13 lần và P/E của VN30 là khoảng hơn 12 lần, đây đều là mức thấp hơn trung bình 5 năm gần nhất. Và nếu tính theo P/E Forward cho năm 2022 thì mức định giá trên sẽ càng trở nên hấp dẫn hơn. Do đó, đây có thể coi là cơ hội cho các nhà đầu tư dài hạn theo trường phái đầu tư giá trị.

Tuy nhiên, xét về góc độ kỹ thuật đà giảm của thị trường chưa có tín hiệu dừng lại và chưa có cơ sở để xác định thị trường hình thành vùng đáy cho đến khi VN-Index phải hình thành một vùng tích lũy lại đáng tin cậy, thị trường có thể có những nhịp hồi kỹ thuật nhưng việc bắt đáy ngắn hạn khi thị trường rơi luôn hàm chứa rủi ro cao. Do đó trong giai đoạn hiện tại cơ hội đang đến với những nhà đầu tư dài hạn nhưng chưa thực sự phù hợp với những giao dịch mang tính lướt sóng ngắn hạn.

SHS kỳ vọng nếu kịch bản tiêu cực xảy ra đà giảm của thị trường sẽ được hãm lại khi VN-Index về ngưỡng hỗ trợ tiếp theo 1,100 điểm tương ứng với fibonacci retracement 50% sóng tăng 5, có thể ở vùng điểm số này các tín hiễu hình thành đáy của đợt điều chỉnh mạnh này sẽ trở nên rõ nét hơn.

Hạ tỷ trọng trong các nhịp hồi

CTCK KB Việt Nam (KBSV): VN-Index tăng điểm ngay từ đầu phiên trước khi dần suy yếu và đảo chiều giảm điểm giằng co đến cuối phiên 16/05.

Áp lực bán gia tăng khiến cho đà hồi phục tích cực của chỉ số không duy trì được đến cuối phiên. Lực cầu suy yếu kết hợp với quán tính giảm điểm trong phiên 16/05 để ngỏ rủi ro tiếp tục mở rộng nhịp điều chỉnh xuống vùng hỗ trợ gần quanh 1,160 trước khi VN-Index thiết lập một mặt bằng giá vững chãi hơn.

Nhà đầu tư được khuyến nghị hạ tỷ trọng các vị thế trading trong các nhịp hồi sớm và chỉ gia tăng tỷ trọng trở lại nếu về vùng hỗ trợ đối với các cố phiếu mục tiêu.

Hỗ trợ tiếp theo ở 1,100

CTCK Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSI): Thị trường dao động trong biên độ lớn cho thấy quá trình dò đáy vẫn chưa kết thúc. Ngưỡng hỗ trợ tiếp theo của VN-Index là vùng 1,100.

Khó lấy lại đà tăng

CTCK Đông Á (DAS): VN-Index đang trong trạng thái quá bán và giảm vào vùng tâm lý 1,200 điểm trong phiên cuối tuần trước với thanh khoản tăng, dẫn đến xảy ra nhịp phục hồi kỹ thuật trong giờ giao dịch sáng 16/05. Tuy vậy VN-Index vẫn đóng cửa trong trạng thái giảm điểm, kéo dài chuỗi giao dịch tiêu cực từ đầu tháng 5.

Nhà đầu tư đang mất kiên nhẫn khi nhiều tài khoản sử dụng đòn bẩy tài chính bị gọi ký quỹ. Ảnh hưởng bởi dự báo tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương và lo ngại về lạm phát toàn cầu, cho thấy giai đoạn tiền rẻ đã qua, biên lợi nhuận của doanh nghiệp cũng bị ảnh hưởng xấu dần.

VN-Index hiện đang thiếu thông tin hỗ trợ để lấy lại đà tăng, nhưng với mức giá cổ phiếu giảm sâu có thể mở ra những cơ hội đầu tư dài hạn trong nhóm cổ phiếu cơ bản, đồng thời biến động thị trường như hiện nay thì mức độ rủi ro cho những giao dịch ngắn hạn khá cao.

 

VN-Index hồi phục trở lại để kiểm tra vùng kháng cự gần 1,180-1,190 điểm

CTCK Asean (Aseansc): Dự báo trong phiên giao dịch tới (17/05), lực cầu bắt đáy tại vùng hỗ trợ gần 1,160-1,170 điểm có thể giúp chỉ số VN-Index hồi phục trở lại để kiểm tra vùng kháng cự gần 1,180-1,190 điểm, và xa hơn là vùng kháng cự 1,200-1,210 điểm. Sự rung lắc có thể diễn ra ở vùng giá cao khiến VN-Index có thể sẽ thu hẹp đà tăng về phía cuối ngày. Trong đó, vùng hỗ trợ là vùng có thể xuất hiện lực cầu giúp chỉ số phục hồi trở lại, và vùng kháng cự là vùng có thể xuất hiện lực bán khiến chỉ số giảm trở lại.

Duy trì tỷ trọng danh mục cân bằng

CTCK Tân Việt (TVSI): Phiên giao dịch hôm 16/05 cho thấy tâm lý thị trường vẫn rất bất ổn với nhiều lần trồi sụt mạnh trong phiên. Nhóm các cổ phiếu ngành Chứng khoán vs Dầu khí hồi phục tốt, ngành Ngân hàng hồi phục nhẹ trong khi nhóm Thủy sản, Phân đạm, Bán lẻ, Vận tải…. chịu sức ép bán rất mạnh.

Dưới góc nhìn PTKT các chỉ số vẫn tiếp tục tiêu cực thêm sau phiên hôm 16/05 khi đóng cửa ở mức thấp và giảm điểm. TVSI cho rằng mức độ rủi ro ngắn hạn của thị trường hiện vẫn đang rất lớn và đà hồi phục chỉ diễn ra từng phần trong nội tại thị trường. Chiến lược phù hợp trong giai đoạn hiện tại vẫn là duy trì tỷ trọng danh mục cân bằng (cổ phiếu ở mức 50% tài sản) nhằm ứng phó với diễn biến khó lường ngắn hạn và quan sát nhóm ngành chứng khoán, ngân hàng để tìm điểm tựa hồi phục trong các phiên tới.

Tiếp tục đà giảm

CTCK Yuanta Việt Nam (Yuanta): Yuanta cho rằng thị trường có thể sẽ tiếp tục đà giảm với mức hỗ trợ gần nhất của chỉ số VN-Index là mức 1,100 điểm. Đồng thời, rủi ro ngắn hạn vẫn ở mức cao cho thấy thị trường chưa có dấu hiệu đảo chiều, đặc biệt đồ thị giá của các chỉ số tiếp tục giảm sâu vào vùng quá bán mặc dù áp lực giảm nhẹ hơn so với các phiên giao dịch trước cho thấy thị trường có thể sẽ còn xuất hiện các nhịp hồi phục ngắn hạn. Ngoài ra, chỉ báo tâm lý ngắn hạn tiếp tục hồi phục nhẹ trong vùng bi quan quá mức cho thấy tâm lý ngắn hạn giảm bi quan hơn so với các phiên trước.

Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức GIẢM. Do đó, Yuanta khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn có thể tiếp tục đứng ngoài và quan sát thị trường. Đồng thời, các nhà đầu tư ngắn hạn chưa nên bắt đáy ở giai đoạn hiện tại.

 

Đông Tư

FILI