PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh: Kỳ vọng kinh tế sẽ tăng trưởng tốt hơn khi lãi suất giảm

PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh: Kỳ vọng kinh tế sẽ tăng trưởng tốt hơn khi lãi suất giảm

Mục đích giảm lãi suất điều hành lần này nhằm hỗ trợ và giúp doanh nghiệp hồi phục, từ đó giúp phát triển kinh tế tốt hơn. Kỳ vọng từ nay đến cuối năm, nền kinh tế có thể tăng trưởng tốt hơn khi lãi suất giảm đi.

* Ngân hàng Nhà nước tiếp tục hạ lãi suất từ ngày 25/5

Tối ngày 24/05/2023, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có thông báo giảm lãi suất điều hành kể từ ngày 25/05. Đây là lần thứ 3 cơ quan quản lý này giảm lãi suất điều hành kể từ đầu năm.

PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh - Chuyên gia kinh tế đã có những quan điểm về động thái này của NHNN và cho rằng đây là điều đã được dự báo từ trước.

PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh

Ông đánh giá gì về động thái giảm lãi suất điều hành lần thứ 3 trong năm nay của NHNN?

PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh: Mục đích giảm lãi suất điều hành lần này cũng không nằm ngoài các mục tiêu như trước nay chúng ta vẫn nói chính là nhằm hỗ trợ các doanh  nghiệp trong quá trình hồi phục và tăng trưởng. Đây là mục tiêu cơ bản cho động thái giảm lãi suất điều hành vừa rồi.

Thứ hai, mục đích hỗ trợ và phát triển cho các doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp hồi phục, từ đó giúp phát triển kinh tế tốt hơn. Hy vọng từ nay đến cuối năm, nền kinh tế có thể tăng trưởng tốt hơn khi lãi suất giảm đi.

Quyết định của NHNN dường như đi ngược với xu hướng tăng lãi suất của các NHTW trên thế giới. Vậy điều này có gây bất lợi gì cho Việt Nam không?

PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh: Thực tế, các nước khác có lạm phát tương đối cao và điều kiện kinh tế xã hội có nhiều diễn biến phức tạp, do đó họ phải tiếp tục tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát.

Còn tại Việt Nam, thời gian qua đã có sự ổn định lạm phát trong nền kinh tế, kinh tế cũng đã hồi phục và tăng trưởng tương đối mạnh mẽ. Trên cơ sở đó, Việt Nam cũng có cơ hội để ổn định tỷ giá hối đoái cũng như tăng trưởng phát triển tốt. Cho nên việc giảm lãi suất điều hành cũng là điều đương nhiên khi nền kinh tế Việt Nam ổn định và tăng trưởng.

Thực tế, việc giảm lãi suất đã được đề nghị với NHNN từ cuối năm trước, tạo tiền đề để các ngân hàng thương mại (NHTM) có điều kiện giảm lãi suất huy động cũng như cho vay ra nền kinh tế.

Việc giảm lãi suất này ngành nào sẽ được hưởng lợi trước tiên?

PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh: Nói chung là tất cả những ai đi vay ngân hàng đều được hưởng lợi, cứ vay là có lãi suất rẻ thì doanh nghiệp đi vay hưởng lợi.

Hiện tại, hầu hết lãi suất vay ưu đãi đều đang hướng đến hỗ trợ doanh nghiệp, trong khi khách hàng cá nhân cũng có nhu cầu được hỗ trợ hoãn, giãn nợ, dưới góc độ của mình, ông có đề xuất gì cho ngân hàng?

PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh: Đây là một trong những việc NHNN đã làm rồi, đó là cho phép các NHTM xem xét giãn, hoãn nợ cho doanh nghiệp cũng như người vay trong nền kinh tế.

Thứ hai, cho phép ngân hàng cũng được phép mua lại trái phiếu của các doanh nghiệp. Sau 12 tháng kể từ khi bán trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết, ngân hàng được mua trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết đã bán và/hoặc trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết được phát hành cùng lô/cùng đợt phát hành với trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết mà ngân hàng đã bán.

Điều này cho thấy ngân hàng cũng có động thái giúp cho việc tính toán giảm lãi suất, giúp cho các doanh nghiệp có quá trình trả nợ vay tốt hơn.

Tuy nhiên, mức độ này tùy thuộc vào các NHTM xem xét khả năng tài chính của người vay nợ và chính ngân hàng đó, cách thức để ngân hàng có thể giãn, hoãn nợ cho các chủ thể nợ đến đâu, như thế nào.

Hiện tại, lãi suất huy động từ dưới 6 tháng đang giảm nhanh, liệu việc này có làm ảnh hưởng đến hoạt động huy động vốn trong dân cư của ngân hàng không?

PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh: Chắc chắn là không, lãi suất từ 1 tháng đến dưới 6 tháng hiện đang giảm, nhưng lãi suất trên 6 tháng cho phép đàm phán theo lãi suất thị trường. Do đó lãi suất này cũng là phù hợp.

Xin cảm ơn ông!

NHNN vừa ban hành 2 quyết định điều hành lãi suất có hiệu lực từ ngày 25/05/2023.

Quyết định số 950/QĐ-NHNN về lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với tổ chức tín dụng (TCTD). Theo đó, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với TCTD giảm từ mức 6.0%/năm xuống 5.5%/năm; lãi suất tái cấp vốn giảm từ mức 5.5%/năm xuống 5.0%/năm; lãi suất tái chiết khấu giữ nguyên ở mức 3.5%/năm.

Quyết định số 951/QĐ-NHNN về mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam (VND) của tổ chức, cá nhân tại TCTD. Theo đó, lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng giữ nguyên ở mức 0.5%/năm; lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm từ mức 5.5%/năm xuống 5.0%/năm, riêng lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng VND tại Quỹ tín dụng nhân dân, Tổ chức tài chính vi mô giảm từ mức 6.0%/năm xuống 5.5%/năm; lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng trở lên do TCTD ấn định trên cơ sở cung - cầu vốn thị trường.

Cát Lam

FILI