VN-Index có thể hướng đến mốc 1,300 điểm

VN-Index có thể hướng đến mốc 1,300 điểm

Ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc Phân tích CTCP Chứng khoán Yuanta Việt Nam nhận định, trong nửa cuối năm 2023 vẫn còn dư địa cho Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục giảm lãi suất điều hành. Thị trường chứng khoán (TTCK) tiếp tục vận động tích cực với VN-Index có thể hướng đến mốc 1,300 điểm. Nếu 6 tháng đầu năm, nhà đầu tư đang nắm giữ các tài sản an toàn thì giai đoạn còn lại có thể dịch chuyển sang các tài sản rủi ro hơn như cổ phiếu.

Nhận định về TTCK, ông Minh cho biết, về cơ bản, khi các yếu tố vĩ mô như lạm phát thấp và lãi suất giảm là yếu tố ủng hộ cho đà tăng của thị trường. Tuy nhiên, vị chuyên gia cũng chỉ ra các vấn đề còn tồn tại. Thứ nhất là nền kinh tế vẫn chưa hồi phục hoàn toàn và thứ hai là tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp đang gặp khó khăn, nhưng dự đoán có thể hồi phục nhẹ vào quý 3 và 4, tăng trưởng có thể khả quan hơn so với 6 tháng đầu năm; định giá thị trường từ đó cũng trở nên hấp dẫn hơn.

Mục tiêu gần nhất mà VN-Index có thể đạt được trong năm nay trước tiên có thể là ngưỡng cản tâm lý 1,200 điểm và có thể trong vùng 1,260-1,265 điểm trong 6 tháng cuối năm. Hiện nay, việc dòng tiền đang quay trở lại, cùng với việc mặt bằng lãi suất huy động đang ở mức thấp cũng là điều kiện khiến dòng tiền tiết kiệm có thể quay trở lại kênh chứng khoán và đạt mức điểm cao hơn là 1,300, điểm sau đó quay về 1,260 - 1,265 điểm.

Về chiến lược, ông Minh khuyên nên ưu tiên nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu cao trong danh mục. Tuy nhiên, vị chuyên gia cũng lưu ý: quan trọng là lựa chọn nhóm cổ phiếu để nắm giữ, không phải cổ phiếu nào cũng tăng, nhưng nhìn chung sẽ ủng hộ cho xu hướng thị trường đi lên.

Ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc Phân tích CTCK Yuanta Việt Nam

Xét ở phương diện vĩ mô, vị chuyên gia từ Yuanta phân tích: việc nới lỏng hay thắt chặt sẽ dựa vào 2 yếu tố là lạm phát và tỷ giá. Về lạm phát, cơ bản trong năm nay có thể kiềm chế được dưới mức 4.5% với bối cảnh giá cả hàng hóa tăng không nhiều, sức cầu tiêu thụ còn yếu. “Dù lạm phát có thể nhích tăng nhẹ trong quý 3 và quý 4, nhưng cơ bản chúng ta có thể kiểm soát được, 4.5% là khả thi” - ông nói.

Về tỷ giá, trong nửa đầu năm 2023, nhờ đồng USD sụt giảm, chúng ta duy trì được tỷ giá cơ bản là giảm và đi ngang. Khả năng cao đồng USD sẽ tiếp tục giảm trong 6 tháng cuối năm 2023, phần lớn từ việc Fed không tăng lãi suất nữa. Việc đồng USD tiếp tục suy yếu sẽ giúp duy trì được tỷ giá thấp trong năm nay.

Với 2 yếu tố này, ông Minh nhận định, vẫn còn dư địa để NHNN tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ trong bối cảnh tăng trưởng vẫn còn ở mức rất thấp trong nửa đầu 2023 mà không phải lo ngại về lạm phát và tỷ giá.

Đối với triển vọng kinh tế, ông Minh kỳ vọng khả năng tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ đạt 4.9% trong năm nay. Thông thường quý 3 và quý 4 có thể sẽ tăng trưởng khả quan hơn. Hiện vẫn chưa có động lực lớn cho Việt Nam để bứt tốc; nhóm ngành dịch vụ, du lịch cũng kém khả quan do sức cầu tiêu thụ yếu của Trung Quốc. Có thể trông chờ vào mảng đóng góp lớn là đầu tư công. Ngoài ra, mảng tiêu thụ trong nước hay bán lẻ cũng được kỳ vọng có thể hồi phục.

Duy Khánh

FILI