Chủ tịch TCM: Mua lại SY Vina hiệu quả hơn nhiều so với đầu tư xây dựng mới

Chủ tịch TCM: Mua lại SY Vina hiệu quả hơn nhiều so với đầu tư xây dựng mới

Ông Trần Như Tùng - Chủ tịch HĐQT CTCP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (HOSE: TCM) khẳng định việc chi 19 triệu USD mua lại Công ty TNHH Dệt may SY Vina là lựa chọn đúng đắn của TCM trong giai đoạn này.

Trụ sở chính của Công ty TNHH Dệt may SY Vina

HĐQT TCM vừa phê duyệt giao dịch nhận chuyển nhượng dự án đầu tư của Công ty TNHH Dệt may SY Vina, là công ty thuộc sở hữu toàn bộ của E-Land Asia Holdings - cổ đông lớn nhất của TCM sở hữu gần 47% vốn.

Phương thức nhận chuyển nhượng là mua lại toàn bộ tài sản và quyền triển khai dự án đầu tư. Giá trị chuyển nhượng khoảng 468 tỷ đồng (chưa gồm thuế VAT). Sau khi hoàn tất thương vụ, TCM sẽ là chủ sở hữu trực tiếp dự án của Dệt may SY Vina.

*Thu hơn 600 tỷ trong 2 tháng đầu năm, TCM dự kiến mua dự án hàng trăm tỷ từ đối tác

Chủ tịch HĐQT TCM Trần Như Tùng cho biết nhằm thực hiện chiến lược đa dạng hóa sản phẩm, mở rộng thị trường, Công ty đã thực hiện bài toán đầu tư thông qua mua lại Công ty TNHH Dệt may SY Vina tại Khu công nghiệp (KCN) Nhơn Trạch II, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai có diện tích gần 7.5 ha để mở rộng nhà máy.

Việc mua SY Vina giúp TCM tận dụng lợi thế trong chuỗi sản xuất bao gồm dệt, nhuộm và may - 3 công đoạn dự kiến sẽ mở rộng trong thời gian tới. Sau khi mua lại và tiếp quản, nhà máy dệt thoi tại SY Vina với công suất trên 8 triệu mét vải/năm sẽ bổ sung thêm cho vải đan truyền thống tại TCM, nhà máy nhuộm với công suất hơn 19.5 triệu mét vải/năm và nhà máy may với công suất 69.6 triệu sản phẩm khăn/năm sẽ góp phần vào việc gia tăng doanh thu và lợi nhuận cho Công ty trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, TCM cũng cần chuẩn bị cho việc di dời nhà máy tại quận Tân Phú trong tương lai sau khi TP.HCM có chủ trương di dời các nhà máy sản xuất ra khỏi nội thành để thực hiện dự án dân cư và phức hợp theo quy hoạch.

Việc mua lại nhà máy SY Vina đã được HĐQT và Ban điều hành TCM cân nhắc kỹ lưỡng và lựa chọn dựa trên tiêu chí về chi phí và hiệu quả đầu tư, thời gian mở rộng nhà máy so với đầu tư xây dựng mới. Đồng thời, tận dụng lợi thế sẵn có về nguồn lao động và khách hàng, cộng thêm vị trí của SY Vina cũng rất tiện lợi cho giao thông cũng như vận chuyển logistic.

Cụ thể, cách đây 4-5 năm trước, TCM dự kiến chi phí xây dựng nhà máy mới ở Vĩnh Long khoảng 45 triệu USD, tuy nhiên công suất xử lý nước thải tại đây chỉ có 1,500 m3/ngày đêm - bằng 1/2 so với SY Vina (công suất 3,000 m3/ngày đêm), trong khi họ đã có sẵn hệ thống dệt - nhuộm.

Như vậy, việc mua lại SY Vina sẽ giúp năng lực sản xuất tăng lên gấp đôi so với việc đầu tư mới, chưa nói đến hiệu quả đầu tư. Bỏ ra từ 45-50 triệu USD để xây nhà máy trong khi mua lại SY Vina chỉ mất ~19 triệu USD, chi phí đầu tư giảm đi rất nhiều.

Theo ông Tùng, khi làm việc với các Giám đốc của Nhà máy, SY Vina cũng cam kết trong năm nay sẽ không bị lỗ, trong khi khoản đầu tư dài hạn phải mất đến vài năm để thực hiện điều này. Năm 2024, SY Vina kỳ vọng mang lại tầm 17 triệu USD doanh thu, đóng góp cho công ty mẹ TCM (thời điểm cuối năm hợp nhất).

“HĐQT Công ty cũng cân nhắc rất nhiều khi lựa chọn mua lại SY Vina, vì vậy đối với nhà đầu tư, cổ đông hãy yên tâm về quyết định này, về phía bản thân tôi rất có niềm tin và cho rằng đây là lựa chọn hết sức đúng đắn cho TCM trong giai đoạn này”, Chủ tịch TCM cho hay.

Nguồn tiền đâu để mua dự án?

Chủ tịch Trần Như Tùng nhấn mạnh, TCM đủ sức mua lại SY Vina với dòng vốn đến từ chuyển nhượng dự án, cộng thêm khoản vay của ngân hàng. Điều này hoàn toàn không ảnh hưởng đến dòng tiền, các chỉ tiêu về tài chính của công ty mẹ của TCM.

Nhằm chuẩn bị nguồn vốn cho việc đầu tư mua lại SY Vina từ đối tác chiến lược E-land Asia Holdings, TCM dự kiến sẽ cơ cấu lại danh mục nhà máy dựa trên hiệu quả đầu tư thông qua việc chuyển nhượng lại nhà máy may tại KCN Trảng Bàng – Tây Ninh (quy mô 1ha) do năng suất hoạt động không hiệu quả.

Bên cạnh đó, Công ty sẽ chuyển nhượng lại gần 7ha đất tại KCN Hòa Phú, tỉnh Vĩnh Long trước đây dự kiến đầu tư giai đoạn 3 & 4 để xây dựng nhà máy đan và nhuộm.

Dự kiến việc chuyển nhượng lại đất tại KCN Hòa Phú, Tỉnh Vĩnh Long và chuyển nhượng nhà máy may Trảng Bàng sẽ mang lại một khoản lợi nhuận đáng kể so với khoảng đầu tư ban đầu.

“Năm 2014, TCM mua giá đất tầm 26 USD/m2 (bao gồm có VAT), bây giờ dự kiến bán giao dịch ngoài thị trường trên dưới 120 USD/m2, như vậy đã có 1 khoản lợi nhuận. Nếu chốt được để bán sẽ ghi vào lợi nhuận năm nay, đó là điều tích cực cho các cổ đông”, Chủ tịch TCM thông tin thêm.

Thế Mạnh

FILI