Có thể thí điểm vận hành thị trường carbon từ năm 2025
Có thể thí điểm vận hành thị trường carbon từ năm 2025
Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo đẩy nhanh lộ trình vận hành thị trường carbon, dự kiến sẽ thí điểm ngay từ năm 2025 với khoảng 100-200 doanh nghiệp thuộc 3 lĩnh vực trọng điểm là nhiệt điện, sắt thép và xi măng.
Tại diễn đàn Thị trường carbon Việt Nam 2025, ông Nguyễn Văn Minh, Trưởng phòng Thị trường Carbon, Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) cho biết, ngày 24/01 qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Đề án thành lập và phát triển thị trường carbon, quy định chi tiết các hoạt động cần triển khai để vận hành thị trường này, trong đó nổi bật là việc ra mắt sàn giao dịch carbon trong năm nay.
Luật Bảo vệ môi trường 2020 định nghĩa thị trường carbon là nơi trao đổi 2 loại hàng hóa chính: hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon. Nghị định số 06 (có hiệu lực từ 07/01/2022) đã cụ thể hóa các quy định về tổ chức phát triển thị trường này, bao gồm đối tượng tham gia, lộ trình và hoạt động trao đổi.
Bộ Tài chính hiện đang gấp rút triển khai để thiết lập sàn giao dịch carbon có thể vận hành trong thời gian tới. Giai đoạn thí điểm sẽ kéo dài từ năm 2025 đến hết năm 2028, tập trung vào 3 lĩnh vực trọng điểm: nhiệt điện, sắt thép và xi măng.
Mặc dù cả nước có 2,166 doanh nghiệp thuộc diện phải kiểm kê khí nhà kính theo Quyết định số 13/2024, chỉ khoảng 100-200 doanh nghiệp thuộc 3 lĩnh vực nêu trên sẽ được xem xét phân bổ hạn ngạch trong giai đoạn thí điểm.
![]() Những doanh nghiệp thuộc lĩnh vực nhiệt điện, sắt thép và xi măng được xem xét phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính trong giai đoạn đầu triển khai thí điểm
|
Theo ông Minh, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đang phối hợp với Bộ Công Thương và Bộ Xây dựng để hỗ trợ doanh nghiệp xác định lượng phát thải khí nhà kính và tính toán hạn ngạch phát thải để phân bổ. Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 06 đã bổ sung công thức tính hạn ngạch nhằm minh bạch hóa quy trình, giúp doanh nghiệp nắm bắt được cách thức xác định và phân bổ.
Trong giai đoạn đầu, toàn bộ hạn ngạch sẽ được phân bổ miễn phí. Các giai đoạn sau có thể áp dụng hình thức đấu giá, với khoảng 90% hạn ngạch được phân bổ miễn phí, 10% còn lại thông qua đấu giá nếu doanh nghiệp muốn có thêm.
Nghị định 06 hiện hành quy định các cơ sở được phân bổ hạn ngạch có thể sử dụng tối đa 10% tín chỉ carbon để bù trừ phát thải vượt quá hạn ngạch. Tuy nhiên, sau khi nhận phản hồi từ doanh nghiệp, Thủ tướng đã chỉ đạo xem xét nâng cao tỷ lệ này, nhằm khuyến khích đầu tư vào các dự án tạo tín chỉ carbon, tạo thêm nguồn cung cho thị trường.
Dự thảo sửa đổi cũng quy định rõ: chỉ những cơ sở được phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính mới được phép trao đổi, mua bán hạn ngạch với nhau. Trong khi đó, đối với tín chỉ carbon, đối tượng tham gia được mở rộng hơn, bao gồm cả các tổ chức, doanh nghiệp trong nước muốn bù đắp phát thải tự nguyện hoặc đầu tư kinh doanh.
Trong giai đoạn thí điểm, việc trao đổi tín chỉ carbon sẽ tập trung vào một số tiêu chuẩn nhất định: tín chỉ từ các cơ chế theo tiêu chuẩn của Liên Hợp Quốc, các tiêu chuẩn mà Việt Nam đã ký kết tham gia, và tiêu chuẩn tín chỉ carbon nội địa.
Quy trình đăng ký dự án và cấp tín chỉ carbon sẽ theo hướng phân cấp cho các Bộ quản lý chuyên ngành, mỗi Bộ sẽ phê duyệt dự án và cấp tín chỉ carbon trong lĩnh vực mình quản lý.
Ông Nguyễn Văn Minh phát biểu tại sự kiện. Nguồn: Ảnh chụp màn hình
|
Sau giai đoạn thí điểm, thị trường carbon sẽ chính thức vận hành từ năm 2029, với khả năng mở rộng đối tượng tham gia thị trường ra các lĩnh vực khác ngoài 3 lĩnh vực ban đầu. Những cơ sở có lượng phát thải khí nhà kính lớn sẽ được xem xét đưa vào danh sách, góp phần vào mục tiêu giảm phát thải quốc gia.
Nghị định sửa đổi cũng bổ sung quy định về hợp tác theo Điều 6.2 và Điều 6.4 của Thỏa thuận Paris, cho phép doanh nghiệp chuyển đổi dự án theo Cơ chế phát triển sạch (CDM) đã đăng ký trước đây sang cơ chế mới, đồng thời đưa ra quy trình ban hành thư chấp thuận cho phép chuyển giao quốc tế kết quả giảm phát thải và tín chỉ carbon từ Việt Nam ra quốc tế đối với các hợp tác song phương.
Trong thời gian tới, ngoài việc hoàn thiện chính sách, các hoạt động tăng cường năng lực, tuyên truyền và chia sẻ kinh nghiệm sẽ được đẩy mạnh để chuẩn bị cho việc vận hành thị trường carbon tại Việt Nam.
Tử Kính
4/13/2025 8:07:20 PM