Cao su Việt xanh trên đất Chùa Tháp

Chương trình xúc tiến thương mại trong nước:

Cao su Việt xanh trên đất Chùa Tháp

Đã có hàng chục doanh nghiệp trồng cao su của Việt Nam sang Campuchia thuê đất trồng cao su.

Từ trụ sở Cty TNHH MTV Cao su Mang Yang thuộc Tập đoàn công nghiệp Cao su Việt Nam ở thị trấn Đăk Đoa, Gia Lai, chúng tôi ngồi xe chưa đến 3 giờ đồng hồ đã đến vườn cây của các doanh nghiệp VN ở Rattanakiri - Campuchia.

Cùng những người đứng mũi chịu sào ở Công ty Cổ phần Cao su Mang Yang (CPCSMY) - Rattanakiri là Chủ tịch HĐQT Lê Đình Bửu và Tổng giám đốc Trần Xuân Thịnh. Họ đã sang Van Say khảo sát lập dự án, hoàn thành các thủ tục, chiêu mộ nhân lực, thực hiện bằng được tiến độ trồng cao su 7.000 ha trong 3 năm 2010 đến 2012.

Sau gần 4 năm miệt mài đương đầu với những bỡ ngỡ, khó khăn, đến nay Công ty CPCSMY đã có 1.000 ha cao su vài ba tầng lá, xanh non mơn mởn ở vùng đất Van Say hoang hóa.

Cao su Việt khá bén duyên trên vùng đất màu mỡ đông bắc Campuchia nên mới vài tháng mà đã có đôi ba tầng lá. Trong vườn cao su, từng tốp công nhân cả vợ chồng chăm chỉ cuốc cỏ, bón phân, trồng xen canh các loại đậu, ngô, tranh thủ lúc cao su chưa khép tán. Xen giữa lô cao su là lều tạm của công nhân, nhà chứa vật tư phân bón, hàng quán mọc lên phục vụ đời sống cho bà con. Một không gian sinh động vui nhộn rộn ràng giữa vùng đất mới khẩn hoang.

Ông Lê Đình Bửu cho biết, Cty đã tuyển 300 lao động là người Campuchia thực hiện các khâu từ ươm giống, đến khai hoang trồng mới cao su, thu nhập bình quân khoảng 150USD (3 triệu đồng)/người/tháng.

Để tạo điều kiện cho bà con công nhân yên tâm công tác Cty còn xây dựng 60 căn nhà để công nhân ở. Đến năm 2012, vùng dự án phát triển hoàn chỉnh sẽ giải quyết việc làm cho 3.000 lao động nước bạn, gắn với đó là điện, đường trường, trạm, nhà ở, nhà làm việc...

Anh Bun In - công nhân người Campuchia gặp chúng tôi với nét mặt rạng rỡ trong ngôi nhà mới mà Cty CPCSMY vừa giao. Anh cho biết: Bun In ở huyện Đôn Mia, đã từng tham gia bộ đội trong thời gian đánh Mỹ và Pôn Pốt.

Sau này lấy vợ theo vợ về xã KChôn, huyện Van Say, Rattanakiri, cuộc sống vợ chồng Bun In khá lam lũ bởi đất đai rừng núi mênh mang mà phương tiện canh tác của bà con còn thô sơ, lạc hậu.

Khi Cty CPCSMY triển khai dự án trồng cao su trên địa bàn huyện, vợ chồng anh đăng ký ngay vào làm công nhân. Từ đó cuộc sống của gia đình anh đã ổn định và khá lên từng ngày. Thu nhập giúp gia đình anh mua được xe máy, nuôi con lớn học đại học ở Phnôm Pênh, 1 đứa học cấp 3 ở TP Ban Lung...

Anh nói sẽ gắn bó lâu dài với cây cao su của doanh nghiệp Việt Nam đồng thời sẽ vận động nhiều bà con người địa phương vào làm công nhân.

Sau dự án này, Cty CPCSMY đang được Chính phủ Campuchia giao cho khảo sát một dự án khác khoảng 10.000 ha.

Huỳnh Kiên

Tiền Phong