QH phê chuẩn: 51% - Luật DN: 65%?

QH phê chuẩn: 51% - Luật DN: 65%?

Việc giới hạn tổng số cổ phần có quyền biểu quyết ở mức 65% hay chỉ cần 51% để ĐHCĐ có thể diễn ra là vấn đề đã được thảo luận trong vài năm trở lại đây, nhưng vẫn chưa có giải pháp hợp lý.

Từ luật lệ...

Theo Nghị quyết 71/2006 của Quốc hội phê chuẩn Nghị định thư gia nhập WTO, chỉ cần tỷ lệ cổ phần có quyền biểu quyết đạt 51% là có thể tổ chức ĐHCĐ, trong khi đó Luật Doanh nghiệp hiện nay vẫn ấn định tỷ lệ vừa nêu ở mức 65%.

Theo Luật sư Trần Minh Hải, Giám đốc Công ty Luật Basico, Nghị quyết trên có tác dụng ngang luật và doanh nghiệp hoàn toàn có thể áp dụng để tổ chức ĐHCĐ.

Trong khi một số chuyên gia pháp lý khác cũng tán thành với luận điểm trên, thì TS. Nguyễn Đình Cung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, lại cho rằng: Nếu doanh nghiệp “áp” tỷ lệ 51% là không đúng, xét về mặt bản chất không đảm bảo chặt chẽ về mặt pháp lý, thậm chí nếu có tranh chấp các cơ quan quản lý sẽ dựa vào văn bản gốc là Luật Doanh nghiệp để giải quyết.

Thực tế tỷ lệ 51% đã được áp dụng tại nhiều quốc gia trên thế giới. Đó cũng là lý do Nghị quyết 71 hướng đến điều này để có thể tuân theo thông lệ quốc tế. Nghị quyết 71 ra đời cách đây 6 năm, một khoảng thời gian không quá ngắn để không kịp rà soát xem xét lại độ “vênh” giữa các văn bản luật để chỉnh lý.

Nhưng trong một chừng mực nào đó, có thể nói cơ quan lập pháp đã “bỏ quên” vấn đề này khi không đem ra mổ xẻ sớm hơn. Điều này dẫn đến những ĐHCĐ bất thành, không chỉ gây lãng phí thời gian, tiền bạc cho cổ đông mà còn tạo ra một hình ảnh mệt mỏi, rệu rã cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên, việc hạ tỷ lệ từ 65% xuống còn 51% cần nhìn nhận trên nhiều góc độ khác nữa, bởi lẽ TTCK Việt Nam có những nét đặc thù.

Đến thực tế

Cổ đông làm thủ tục đăng ký, sau đó ban kiểm tra tư cách cổ đông sẽ nắm thông tin, thống kê số lượng cổ phần và báo cáo. Một điểm xưa nay không mấy ai quan tâm là tính minh bạch của công tác thống kê số lượng cổ phần. Một tình trạng không phổ biến nhưng cũng được bàn tán bên lề một số ĐHCĐ là kiểu “ghi đại, ghi khống” để đủ số 65%.

Ở đây, nếu cổ đông nghi ngờ về tính xác thực của những con số mà ban kiểm tra công bố có thể yêu cầu xác thực. Làm được nhưng có lẽ không cổ đông cá nhân nào muốn làm, bởi lẽ cổ đông cá nhân trừ khi có thông tin “mật” nào đó còn lại không dễ gì có thể “chen ngang” như vậy. Đủ “số má” để làm việc này có lẽ chỉ có các cổ đông tổ chức.

Một thí dụ đơn giản: Một nhóm cổ đông lớn sở hữu tổng cộng 36% cổ phần, vì một lý do nào đó cố ý đến trễ hoặc không đến dự ĐHCĐ mà cử người của mình (làm cổ đông chim mồi) đến theo dõi. Trong trường hợp này, chắc chắn doanh nghiệp không dám tuyên bố “lụi” là đã đủ 65% vì chỉ cần cổ đông “chim mồi” kia lên tiếng, kiểm tra lại sẽ lộ ra ngay sự gian dối.

Nhưng trường hợp ngược lại, giả sử các cổ đông lớn đã hội tụ đầy đủ và tỷ lệ sở hữu cổ phần tầm khoảng 50-60%, thậm chí thấp hơn, số còn lại là những cổ đông nhỏ lẻ và điều này không quá khó để xác định. Doanh nghiệp có thể tự tin công bố “khống” con số 65% mà không phải e ngại điều gì. Nói cách khác, doanh nghiệp nào cơ cấu cổ đông bị xé lẻ càng nhiều, thì cơ hội cho việc lấp liếm tỷ lệ dự đại hội càng dễ dàng.

Phải trân trọng cổ đông

Thẳng thắn mà nói, đối với những CP mang tính chất đầu cơ kiểu như VND, KLS, PVA, PVX… nhu cầu đến dự ĐHCĐ đối với cổ đông nhỏ lẻ xem như không có. Đơn giản vì nhóm này đánh theo sóng CP chứ không giữ CP dài hạn. Thực tế, nếu hạ tỷ lệ xuống mức 51% nhưng doanh nghiệp không có biện pháp nhắc nhở cổ đông, nguy cơ thất bại của ĐHCĐ lần thứ nhất vẫn dễ dàng xảy ra.

Hiện nay, không ít doanh nghiệp mà chủ tịch HĐQT lẫn các thành viên chỉ nắm trên dưới 10-20% cổ phần, số còn lại phân tán ra bên ngoài. Vì vậy, giữa tỷ lệ sở hữu cổ phần 65% đối với những doanh nghiệp cơ cấu cổ đông phân tán, CP có tính đầu cơ có thể tạo ra sự gián đoạn và đại hội có thể phải tiến hành lại thêm 1-2 lần nữa.

Đại hội cổ đông FLC năm 2012 (ảnh minh họa).

Trong khi đó, hạ tỷ lệ cổ phần có mặt lần đầu chỉ còn 51% có thể khiến doanh nghiệp coi thường cổ đông bên ngoài hơn. Thay vì tìm mọi cách để “mời mọc”, “chiều chuộng” cổ đông bằng quà cáp, gọi điện nhắc nhở tham dự, doanh nghiệp sẽ bỏ lơ những việc này.

Thử đặt ra tình huống một doanh nghiệp, trong đó hội đồng quản trị là một “phe” và nắm khoảng 30% cổ phần, 70% còn lại là cổ đông nhỏ lẻ bên ngoài. Trong trường hợp quy định 65% cho ĐHCĐ lần đầu, nếu phải biểu quyết một vấn đề nào đó thì “phe” HĐQT sẽ phải e dè trước hơn 35% ở bên ngoài. Trong khi đó, nếu quy định 51% và cổ đông bên ngoài đến dự “lèo tèo”, coi như phe HĐQT sẽ mặc sức “lộng hành”.

Trong khi đó, tại nước ngoài mặc dù chỉ quy định tỷ lệ 51%, nhưng việc các cổ đông nhỏ lẻ thuê người đại diện, hoặc ủy quyền cho một tổ chức đi thay được thực hiện rất bài bản và đảm bảo quyền lợi. Như vậy, mấu chốt của vấn đề cần phải giải quyết ở đây là các doanh nghiệp cần học cách tôn trọng cổ đông, những ông chủ của mình.

Trong một chừng mực, tỷ lệ 65% cũng có tác dụng “cưỡng bức” các doanh nghiệp một phần nào đó phải e dè hơn trong việc ứng xử với cổ đông. Ngược lại, theo thời gian, các cổ đông cho dù là nhỏ lẻ cũng sẽ phải ý thức được vai trò của mình, chủ động đi dự ĐHCĐ để nghe ngóng, tìm kiếm thông tin và có chiến thuật đầu tư phù hợp. Khi điều này được cải thiện thì chuyện hạ tỷ lệ từ 65% xuống 51% sẽ chuẩn hơn.

Về phía các cơ quan làm luật, thiết nghĩ cần có một nghiên cứu cụ thể hơn nữa về vấn đề này, tỷ lệ 65% hay 51% phải bắt nguồn từ thực tế. Có thể ứng dụng theo nước ngoài, nhưng ứng dụng với liều lượng ra sao, thời điểm nào cần phải có một kế hoạch tổng thể.

Đại Dũng

SÀI GÒN ĐẦU TƯ CHỨNG KHOÁN