“Cẩn trọng với dấu hiệu đình đốn sản xuất”

“Cẩn trọng với dấu hiệu đình đốn sản xuất”

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Đỗ Chí, điều đáng lo ngại nhất là tình trạng đình đốn sản xuất đã bắt đầu từ quý IV/2011 và rất tệ trong những tháng đầu năm nay.

Ông Chí nói:

Mặc dù lạm phát đang được kiềm chế khá tốt, nhưng không nên chủ quan, mà vẫn phải là vấn đề ưu tiên hàng đầu trong năm 2012.

Dựa trên chỉ số tiền tệ 6 tháng trước và những yếu tố như giá xăng, điện, lương…, thì để giữ lạm phát ở mức 1 con số trong năm 2012 là rất khó khăn.

Tuy chính sách thắt chặt tiền tệ tương đối hiệu quả, nhưng vấn đề chi tiêu công vẫn còn tình trạng lãng phí, đây chính là áp lực không ngừng lên lạm phát. Ngoài ra, thắt chặt tiền tệ có hậu quả là làm cho lãi suất huy động thời gian qua tăng cao hơn 14%/năm, cho vay trên 20%/năm. Hiện tại, lãi suất đang có đà giảm, nhưng doanh nghiệp vẫn còn rất khó khăn, nên chương trình về kiểm soát lạm phát này cũng chưa ổn.

Với các chỉ tiêu mà Chính phủ đề ra trong năm 2012 thì lạm phát mục tiêu 9% là hơi thấp, có thể không đồng bộ với tình trạng hiện thời của các chính sách kinh tế, nhất là chính sách tài khóa đang hàm ý một tỷ lệ lạm phát cao hơn. Dù thực hiện chính sách tiền tệ hợp lý thì giá xăng, giá điện tăng vẫn làm thay đổi xu thế lạm phát và biện pháp duy nhất là chi tiêu tài khóa của Chính phủ phải bớt khoảng 30% so với hiện tại. Nếu không bớt chi tiêu mà lại nới lỏng tiền tệ thì lạm phát cuối năm có thể lên tới 15%.

Điều đáng lo ngại nhất là tình trạng đình đốn sản xuất đã bắt đầu từ quý IV/2011 và rất tệ trong những tháng đầu năm nay. Hai tháng đầu năm, nhập siêu giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước. Đây có vẻ là tín hiệu tốt, nhưng trên thực tế, hơn 80% nhập khẩu là nguyên vật liệu sản xuất, khi tình trạng nhập khẩu giảm mạnh có nghĩa sản xuất đang bị ngưng trệ. Bên cạnh đó, USD ổn định tới mức xuống giá so với tiền đồng, tiêu thụ điện giảm… cũng là những dấu hiệu về đình đốn sản xuất mà ta cần phải cẩn trọng. Sản xuất ngưng trệ là cái giá bắt buộc phải trả do tăng lãi suất trước đó để chặn bớt tổng cầu nhằm giảm lạm phát. Nếu để nó đi quá đà thì chính việc thiếu cung trong một hoặc hai quý tới sẽ đẩy lạm phát cao hơn.

Theo tôi, lạm phát tháng 3 khoảng 1,1% do tình trạng giá xăng dầu tăng cao. Nếu trong vài tháng tới, lạm phát vẫn ở mức 1,3 - 1,4%/tháng thì cần phải cẩn thận với bối cảnh vĩ mô.       

Phan Hằng ghi

đầu tư chứng khoán