Doanh nghiệp liêu xiêu trước bão chi phí

Doanh nghiệp liêu xiêu trước bão chi phí

Giá cả chi phi liên tục tăng cao, cùng với những giải pháp thắt chặt chính sách tiền tệ, giảm đầu tư công của Chính phủ… đã khiến nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gặp khó khăn trong việc tiêu thụ các sản phẩm.

Chịu tác động trực tiếp từ việc thắt chặt tài chính tiền tệ, giảm đầu tư công nên các doanh nghiệp sản xuất thép thời gian qua đã gặp khó khăn về vốn và thị trường tiêu thụ. Hầu hết các doanh nghiệp đều giảm sản lượng.

Bằng chứng là tình hình sản xuất và tiêu thụ thép tháng 2 đều tăng cao so với tháng 01/2012, nhưng lại giảm so với cùng kỳ năm 2011.

Cụ thể, trong tháng 2/2012 sản xuất thép xây dựng đạt 370.000 tấn, tăng 30% so với tháng 01 nhưng giảm 5% so với cùng kỳ năm trước; tiêu thụ đạt tăng 56% so với tháng 01 nhưng giảm 24% so với cùng kỳ năm trước.

Trong khi đấy, tình hình sản xuất và xuất khẩu dệt may và da giầy cũng sụt giảm mạnh (chỉ riêng tăng ở thị trường Trung Quốc).

Đối với hàng may mặc, tính chung 2 tháng đầu năm 2012, giá trị sản xuất và doanh thu tăng khoảng 8 - 10% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 12% so với cùng kỳ. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu sang ba thị trường chính là Mỹ (giảm 12,3%), Liên minh châu Âu (EU) (giảm 21,2%), và Nhật Bản (giảm 7,7%) đều giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này sang Trung Quốc lại tăng cao, tăng 71,7% so với cùng kỳ.

Ngoài ra, việc áp dụng thuế môi trường đối với sản phẩm túi nilon dùng đóng gói hàng xuất khẩu đã làm tăng chi phí cho doanh nghiệp. Khoản chi phí phát sinh này làm cho giá gia công hàng xuất khẩu đắt lên, giảm khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.

Còn riêng đối với ngành giày dép, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường chính EU giảm 12,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, xuất khẩu mặt hàng này sang các thị trường khác đều tăng nhẹ và tăng mạnh đối với thị trường Trung Quốc.

Về giá bột giấy và giấy thành phẩm, do giá bột tăng từ 01/03/2011 (bắt đầu xu thế tăng giá mới trong năm 2011), giá giấy loại cũng tăng theo giá bột. Hiện giá giấy loại ở trong nước đã tăng. Giá giấy loại tiếp tục tăng, gây trở ngại cho các công ty sản xuất giấy làm bao bì. Giá giấy loại tăng, phần lớn do hoạt động thu gom giấy loại trong mùa đông khắc nghiệt ở Bắc Mỹ và Châu Âu.

Riêng về giá giấy thành phẩm, một số công ty sản xuất giấy đã tăng giá, trong đó cả giá giấy in viết và giấy in báo. Dự báo giá giấy sẽ tăng đồng loạt trong thời gian tới, do giá điện, than, xăng dầu tăng và lãi suất vay tăng. Nhiều công ty đã ngừng xem xét đầu tư và tạm ngừng các dự án mới bắt đầu triển khai.

Một ngành cũng chịu sự sụt giảm mạnh trong tháng 2 đó là rượu - bia - nước giải khát. Tháng 2, các doanh nghiệp sản xuất bia rượu nước giải khát đã khẩn trương bước vào sản xuất. Các chỉ tiêu sản xuất bia hầu hết đều tăng so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, do thời tiết lạnh kéo dài sau Tết nên lượng bia tiêu thụ chưa tương xứng với khả năng sản xuất ra. Sản xuất rượu giảm hẳn do thời vụ. Sản xuất nước giải khát cũng giảm so với cùng kỳ năm ngoái do yếu tố thời tiết.

Yến Nhi

vnmedia