Doanh nghiệp cắn răng chịu đựng

Doanh nghiệp cắn răng chịu đựng

Doanh nghiệp (DN) sản xuất và chế biến cá tra xuất khẩu gặp khó khăn, chuyện ai cũng biết. Thế nhưng nhiều DN chỉ biết “cắn răng” âm thầm chịu đựng, chẳng đơn vị nào dám tỏ bày, kêu cứu cùng ai.

Ngay tại hội nghị bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn về sản xuất xuất khẩu cá tra mới đây tại An Giang, dù được mời nhưng lãnh đạo nhiều DN không đến tham dự hoặc cử người đi cho có lệ. Suốt buổi chỉ có vài người phản ảnh thực trạng khó khăn chung, còn lại chẳng ai dám phát biểu dù chủ tọa nhiều lần đề nghị: “DN cứ giãi bày để biết... mà tính”. Thậm chí đại diện Công ty Agifish (AGF) còn nói: “Sếp chỉ bảo đi dự thôi chứ không phát biểu”.

Nhiều DN bảo nếu nói ra những khó khăn thì vô tình... vạch áo cho người xem lưng, chỉ thêm bất lợi. Bởi lúc này ngoài thắt chặt tín dụng thì ngân hàng càng săm soi kỹ mọi động tĩnh của từng DN, nhất là sau “sự cố” Công ty Bình An (BAF), nếu thấy “có vấn đề” là ngưng cho vay, không cho đáo nợ là... chết. Lãnh đạo một ngân hàng ở ĐBSCL cũng nói rằng qua tìm hiểu ông biết hiện nhiều DN rất khó khăn, đang cố duy trì hoạt động; trừ vài DN lớn, còn lại tình hình chung về sản xuất xuất khẩu cá tra hiện nay khá bi đát. “Một DN cỡ nhỏ cũng phải vay ngân hàng từ 200 tỉ đồng, với lãi suất 17-18% thôi phải đóng lãi gần 40 tỉ đồng mỗi năm, quả là quá sức... Gần đây cước phí vận chuyển tăng, lương công nhân tăng, trong khi thị trường hẹp, giá xuất thấp mà phải gánh chịu lãi suất cao nên càng sản xuất càng lỗ. Thật sự nhiều DN hiện đã... hụt hơi nhưng không bao giờ dám kêu” - ông nói.

Nhiều DN cho rằng họ có nói ra, kêu cứu cũng chẳng ai giải quyết được, bởi lâu nay bao kiến nghị, bao đề xuất của họ, của địa phương, các hiệp hội nào có được xem xét thấu đáo. Theo ông Võ Tấn Minh, giám đốc Công ty CP Ba Sa (Cần Thơ), những chuyện như cạnh tranh không lành mạnh, hạ chất lượng sản phẩm, sử dụng chất tăng trọng... là nguy cơ “giết chết” các DN dù được cảnh báo rất lâu rồi mà vẫn tồn tại.

Cá tra là sản phẩm đặc thù vốn có lợi thế cạnh tranh riêng, mỗi năm xuất khẩu thu về 1,2-1,8 tỉ USD dù nhiều lần đề nghị là mặt hàng xuất khẩu chiến lược để ngành sản xuất này có sự hỗ trợ, huy động thêm các nguồn lực để phát triển thuận lợi nhưng vẫn chưa được công nhận. Hay như việc tiến hành xây dựng thương hiệu đã thống nhất từ cuối năm 2004, vậy mà tới nay sản phẩm cá tra vẫn cứ mang nhãn hiệu nhà nhập khẩu. Ngay cả việc thành lập ban chỉ đạo điều hành sản xuất tiêu thụ cá tra nhằm giúp ngành hàng này phát triển ổn định, hiệu quả, tuy nhiên hiện cũng mới chỉ có... hư danh.

Khó khăn nhiều, ngập trong nợ nần, thậm chí có nguy cơ phá sản... nhưng DN chỉ biết cắn răng chịu đựng.

Đức Vịnh

tuổi trẻ