Nhiều doanh nghiệp “chết yểu”

Nhiều doanh nghiệp “chết yểu”

65% trong tổng số 10.350 doanh nghiệp giải thể, phá sản và ngừng hoạt động trong quí đầu tiên của năm 2012 là những doanh nghiệp chỉ mới thành lập trong vòng 1 đến 2 năm.

Nhiều doanh nghiệp chết sớm

Báo cáo mới nhất của Bộ Tài chính vừa công bố cho thấy, tình hình kinh tế khó khăn đang đưa nhiều doanh nghiệp đến nguy cơ phá sản, ngưng hoạt động, nợ thuế tăng cao,... Điều đáng báo động đó là số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới giảm nhiều, trong khi số doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động, giải thể và phá sản lại tăng rất cao.

Siêu thị điện máy WonderBuy sớm đóng cửa vào năm ngoái chỉ sau một thời gian ngắn hoạt động do kinh doanh thua lỗ

Cụ thể qua theo dõi mã số thuế doanh nghiệp, Bộ Tài chính cho biết trong quí 1-2012 có hơn 18.700 doanh nghiệp thành lập mới, giảm 10,2% so với cùng kỳ năm 2011. Trong khi đó, số doanh nghiệp tạm ngưng kinh doanh có thời hạn cũng gần bằng bằng với số doanh nghiệp mới thành lập.

Điều đáng lưu ý trong báo cáo của Bộ Tài chính là số doanh nghiệp giải thể, phá sản và ngừng hoạt động tăng rất cao, khoảng 10.350 doanh nghiệp, tăng 14,8% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh nghiệp mới thành lập được khoảng 1-2 năm chiếm đa số, đến 65%. Cụ thể, trong tổng số doanh nghiệp giải thể, phá sản và ngừng hoạt động nói trên có đến 23,1% doanh nghiệp chỉ mới thành lập được 1 năm và 41,9% doanh nghiệp thành lập được 2 năm. Điều này cho thấy số doanh nghiệp mới ra đời khó tồn tại trong bối cảnh tình hình kinh tế khó khăn hiện nay.

Cũng theo bộ này, các ngành có số doanh nghiệp tạm ngưng kinh doanh có thời hạn và ngừng hoạt động tăng cao tập trung vào lĩnh vực kinh doanh bất động sản và xây dựng. Tương tự, các ngành có số doanh nghiệp thành lập mới giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2011 là công nghiệp khai khoáng, kinh doanh bất động sản, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, xây dựng.

Điều đáng chú ý theo Bộ Tài chính là hầu hết các ngành kinh tế trong quí 1 rồi đều có doanh thu giảm so với cùng kỳ (15/21 ngành chính), như xây dựng giảm 26%; thương mại, bán buôn, bán lẻ giảm 22%; sản xuất giảm 9%; dịch vụ khách sạn, ăn uống giảm 8%…

Tính chung doanh thu bán hàng hoá dịch vụ trong quí 1-2012 giảm 7% so với cùng kỳ năm 2011, trong đó khu vực doanh nghiệp nhà ngoài nhà nước giảm nhiều nhất (21%), doanh nghiệp nhà nước giảm 14%. Riêng khu vực doanh nghiệp có vốn  đầu tư nước ngoài trong quí này có doanh thu tăng 24%.

Với tình hình hoạt động kinh doanh giảm như trên, nên theo Bộ Tài chính, việc thu thuế nội địa và thuế xuất nhập khẩu trong quí rồi đều giảm. Cụ thể, tổng thu nội địa quý I-2012 đạt thấp (140.813 tỉ đồng), chỉ bằng 96,9% so với cùng kỳ 2011. Theo Bộ Tài chính, đây cũng là năm đầu tiên thu nội địa giảm so cùng kỳ trong các năm gần đây (quí 1-2011 tăng 40,9%, quí 1-2010 tăng 37,6% so với cùng kỳ).

Tương tự, số thu thuế giá trị gia tăng trong quí 1-2012 đạt 33.096 tỉ đồng, mặc dù kết quả này tăng 6% so với cùng kỳ 2011, nhưng cũng là mức tăng thấp nhất trong các năm gần đây (quí 1-2011 tăng 26,2%; quí 1-2010 tăng 35,6%).

Báo cáo của Bộ Tài chính cho thấy có 8/14 ngành có thuế giá trị gia tăng nộp ngân sách nhà nước giảm mạnh so với cùng kỳ (bất động sản giảm 29,8%; tài chính, ngân hàng, bảo hiểm giảm 22,2%; vận tải, kho bãi giảm 16,4%; nông nghiệp - lâm nghiệp - thuỷ sản giảm 7,4%; xây dựng giảm 4%...). Tuy nhiên, cũng có một số ngành tăng khá so với cùng kỳ 2011 như công nghiệp chế biến, dịch vụ ăn uống, khách sạn, công nghiệp khai khoáng, sản xuất, phân phối điện, khí đốt. Số thu hải quan quí 1-2012 đạt 46.653 tỉ đồng, tương đương hơn 15.000 tỉ đồng/tháng, giảm 2,2% so với cùng kỳ 2011).

Nợ thuế tăng

Bộ Tài chính cho biết, đến cuối năm 2011 số nợ thuế phải thu chiếm tỷ trọng 6,95% so với số thuế đã nộp vào ngân sách nhà nước. Tính đến hết tháng 2-2012, số thuế nợ tăng 28,5% so với 31-12-2011, trong đó, khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng 25,7%, khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước tăng 13,9%, khu vực doanh nghiệp nhà nước tăng 4,3%.

Một số ngành có số nợ thuế giá trị gia tăng tăng cao so với cùng kỳ 2011 như bất động sản, vận tải, sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nông- lâm nghiệp, thuỷ sản, công nghiệp khai khoáng, dịch vụ ăn uống khách sạn.

Tính đến giữa tháng 3, tổng số doanh nghiệp nợ thuế hải quan quá hạn là 8.465 doanh nghiệp (tăng 6,04% so với thời điểm 31-12-2011). Trong đó, khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước chiếm 78,9%, khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và khu vực doanh nghiệp nhà nước chiếm tương ứng 10,6% và 10,5%. Nợ thuế hải quan quá hạn tập trung ở nhóm hàng hoá thành phẩm (riêng thuế xuất khẩu, nợ quá hạn chủ yếu từ nhóm hàng hoá nguyên vật liệu, sản phẩm thô).

Nhìn chung, theo Bộ Tài chính trong năm 2011 và đầu năm 2012, Chính phủ đã kịp thời ban hành nhiều biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp. Nhờ đó, hoạt động sản xuất kinh doanh của một số ngành đã được cải thiện như: ngành đóng và sửa chữa tàu, chế biến và bảo quản rau quả, sản xuất sản phẩm bơ, sữa và các doanh nghiệp xuất khẩu. Tuy nhiên, tình hình doanh nghiệp 4 tháng đầu năm vẫn khó khăn, hàng tồn kho và chi phí tài chính tăng cao.

Khó khăn tập trung chủ yếu ở những ngành như xây dựng; bất động sản; công nghiệp chế biến, chế tạo (ô tô, xe máy, sắt, thép, cơ khí, thuỷ sản, dệt may...); chăn nuôi, sản xuất lâm nghiệp; dịch vụ, ăn uống; khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước; doanh nghiệp nhỏ và vừa và một số doanh nghiệp lớn, thậm chí cả doanh nghiệp ở những địa bàn lớn như Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng, Bình Dương...

Tính đến cuối quí 1-2012, cả nước có 445.500 doanh nghiệp đang hoạt động, tăng 5,7% so với cùng kỳ và tăng 1,1% so với cuối năm 2011.

Quốc Hùng

TBKTSG Online