“Fed sẽ không rút lại QE trước năm 2014”

“Fed sẽ không rút lại QE trước năm 2014”

Mỹ sẽ không chấm dứt chương trình nới lỏng định lượng (QE) trước năm 2014, nhận định của Giám đốc điều hành Bộ phận Nghiên cứu tại Roubini Global Economics, Christian Menegatti.

* Chủ tịch FED 'bênh vực' QE3

 

Là người luôn đồng hành với chuyên gia kinh tế nổi tiếng Nouriel Roubini trong công việc, ông Menegatti cho rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tiếp tục áp dụng QE đến hết năm 2013 và sẽ không hạ lãi suất cho đến năm 2015.

Fed đã giữ nguyên mức lãi suất gần 0% từ năm 2009 đến nay và cố gắng kích thích nền kinh tế thông qua ba gói QE, tức chương trình mua trái phiếu. Đợt nới lỏng gần đây nhất được thực hiện vào tháng 9 năm ngoái với tên gọi QE3.

Đây sẽ là thông tin tốt đối với thị trường chứng khoán vì phố Wall phản ứng khá tích cực với dòng tiền tiền rẻ. Chỉ số Dow Jones đã lập kỷ lục 6 phiên liên tiếp vào ngày thứ Ba và bứt phá gần 12% trong năm nay.

Tuy nhiên, đợt phục hồi vừa qua đi kèm với nỗi lo sợ thường trực trong các tuần gần đây về việc Fed có khả năng rút lại QE - động thái có thể khiến thanh khoản sụt giảm mạnh và chặn đứng đà phục hồi của chứng khoán Mỹ cũng như các thị trường toàn cầu.

Sự sụt giảm của tỷ lệ thất nghiệp từ mức 7.9% về 7.7% và 236,000 việc làm được tạo ra trong tháng 2 càng gia tăng nỗi lo sợ rằng Fed có thể bắt đầu thắt chặt chính sách. Tháng 12 năm ngoái, Fed cho biết sẽ thắt chặt chính sách tiền tệ và nâng lãi suất nếu tỷ lệ thất nghiệp hạ về mức 6.5%.

Ông Menegatti cho biết: “Điều đáng lo ngại nằm ở chi tiết của bản báo cáo. Fed sẽ không chỉ nhìn vào số liệu tỷ lệ thất nghiệp mà còn chú ý kỹ đến tình hình thị trường lao động và tìm hiểu xem sự cải thiện đến từ hoạt động tạo công ăn việc làm thực sự hay do sự rút lui khỏi lực lượng lao động”.

Thời gian gần đây nhà đầu tư còn lo lắng về các biện pháp cắt giảm ngân sách tự động (sequester) có hiệu lực từ 01/03 của Mỹ. Ông Menegatti cho biết thêm, sự khác biệt trong quan điểm giữa các nhà chính trị Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa vẫn là một rủi ro lớn đối với kinh tế Mỹ. Ông cảnh báo Chính phủ Mỹ có thể tiếp tục bị hạ bậc tín nhiệm nếu mâu thuẫn xung quanh biện pháp giải quyết cuộc khủng hoảng trần nợ vẫn tiếp diễn. Tháng 8/2011, Mỹ đã đánh mất mức xếp hạng tín nhiệm cao nhất AAA từ Standard & Poor's (S&P).

Tuy nhiên, thị trường chứng khoán đã chứng tỏ được sự linh hoạt của mình trước các thách thức và tiếp tục leo dốc. Theo ông Menegatti, sự linh hoạt của thị trường xuất phát từ thực tế rằng nhà đầu tư đã khôi phục niềm tin vào Chính phủ Mỹ.

Ông cho biết thêm: “Thị trường đã được tôi luyện và hiểu rằng các giải pháp sẽ được đưa ra vào phút chót. Hiện thị trường đang chú tâm đến các yếu tố cơ bản khả quan của Mỹ - vốn tốt hơn so với nhiều quốc gia còn lại trên thế giới. Thị trường cũng đang chiết khấu thực tế rằng Fed có thể ưu tiên bảo đảm đà phục hồi của nền kinh tế thay vì để đà phục hồi này suy yếu lần nữa”.

Ngoài ra, nhà đầu tư cũng ngày càng lạc quan hơn về những tiến triển tại Mỹ sau khi nước này đạt được thỏa thuận nhằm ngăn chặn nền kinh tế rơi vào “vực thẳm tài khóa” – các biện pháp nâng thuế và cắt giảm chi tiêu có hiệu lực từ 01/01/2013. Và bản báo cáo việc làm tháng 2 được công bố cuối tuần trước cũng đã củng cố thêm niềm lạc quan về nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Phước Phạm (Vietstock)

FFN