Tình hình thị trường hiện nay dựa trên lý thuyết về Trader's Remorse

Tình hình thị trường hiện nay dựa trên lý thuyết về Trader's Remorse

Nếu quan sát diễn biến khối lượng trong khoảng 2 tháng gần đây của VN-Index thì có thể nhận thấy giá đang rơi vào trường hợp giai đoạn bứt phá đi kèm với khối lượng vừa phải. Điều này có nghĩa là không có nhiều nhà đầu tư thay đổi kỳ vọng đang bi quan về thị trường.

Lý thuyết về ”Giai đoạn phân vân” - Trader's Remorse

Sau khi giá phá vỡ ngưỡng hỗ trợ/kháng cự, nhà đầu tư thường phân vân về mức giá mới. Ví dụ, sau khi giá phá vỡ ngưỡng kháng cự, bên mua và bên bán hoài nghi về sự bền vững của mức giá mới cao hơn và có thể quyết định bán ra.

Điều này tạo nên một hiện tượng gọi là “giai đoạn phân vân của nhà đầu tư” - khi giá tạm thời quay về ngưỡng hỗ trợ/kháng cự sau khi đã phá vỡ các ngưỡng này.

Chúng ta hãy quan sát biến động của VN-Index trong giai đoạn tháng 12/2010 và lưu ý đến sự bứt phá sau khi chỉ số này điều chỉnh trở lại ngưỡng kháng cự.

Diễn biến giá chứng khoán sau giai đoạn phân vân của nhà đầu tư rất quan trọng. Một trong hai khả năng có thể xảy ra: nhà đầu tư cho rằng mức giá mới không bền vững và giá sẽ trở lại mức trước đó, hoặc họ chấp nhận mức giá mới và giá sẽ tiếp tục dịch chuyển theo hướng phá vỡ ngưỡng hỗ trợ/kháng cự.

 

Sau giai đoạn phân vân, nếu đa số nhà đầu tư đều cho rằng mức giá mới không bền vững thì sẽ xuất hiện một bẫy tăng giá (bull trap/false breakout). Ở thị trường Việt Nam, khối lượng đóng vai trò khá quan trọng trong các giai đoạn này.

Nếu giá phá vỡ ngưỡng hỗ trợ/kháng cự với khối lượng tăng mạnh thì mức kỳ vọng mới sẽ được thiết lập. Điều này đặc biệt đúng nếu khối lượng giảm trong suốt giai đoạn phân vân của nhà đầu tư (tức là chỉ một số ít nhà đầu tư phân vân về mức giá mới). Trong trường hợp giá giảm trở lại điểm kháng cự (cũ), nếu thanh khoản tích lũy và tăng trở lại sau khi điều chỉnh thì khả năng tăng trưởng tiếp sẽ nâng cao. Còn nếu ngược lại thì nguy cơ giảm sâu tiếp tục sẽ rất lớn.

Ngược lại, giai đoạn bứt phá đi kèm với khối lượng vừa phải cho thấy có rất ít nhà đầu tư thay đổi kỳ vọng và việc giá trở lại mức kỳ vọng ban đầu (tức là mức giá ban đầu) hoàn toàn có khả năng xảy ra. Trong trường hợp giá tăng trở lại điểm kháng cự (cũ), nếu thanh khoản yếu đi thì khả năng giảm sâu do cầu yếu là rất cao.

Tình hình thị trường hiện nay dựa trên lý thuyết về Trader's Remorse

Vùng 480 – 490 điểm của VN-Index đang là tâm điểm kỹ thuật của thị trường khi liên tục bị vượt lên trên rồi phá vỡ trở lại trong suốt nhiều tuần gần đây. Lý thuyết về giai đoạn phân vân của nhà đầu tư (trader’s remorse) có vẻ như đang ứng nghiệm trong trường hợp của VN-Index.

Nếu quan sát diễn biến khối lượng trong khoảng 2 tháng gần đây của VN-Index thì có thể nhận thấy giá đang rơi vào trường hợp giai đoạn bứt phá đi kèm với khối lượng vừa phải. Điều này có nghĩa là không có nhiều nhà đầu tư thay đổi kỳ vọng đang bi quan về thị trường, và việc giá trở lại mức kỳ vọng ban đầu (trong trường hợp này là vùng 480 – 490 điểm) hoàn toàn có khả năng xảy ra.

Cùng với sự đi xuống của khối lượng giao dịch trong nhiều tuần liên tiếp, cụ thể là khối lượng khớp lệnh hiện đang duy trì dưới mức trung bình 20 phiên gần nhất (tương đương 47 triệu đơn vị/phiên), thì khả năng xuyên thủng hoàn toàn vùng 480 - 490 điểm và tạo ra một bulltrap là rất cao.

 

Vì vậy, việc quan sát khối lượng giao dịch có thể coi là dấu hiệu quan trọng nhất vào thời điểm hiện nay. Giới phân tích cho rằng trừ khi thanh khoản có cải thiện và vượt lên trên mức 47 triệu đơn vị/phiên, nếu không thì VN-Index sẽ tiếp tục giảm sâu trong những tuần tiếp theo.

Nếu sụt giảm mạnh thì vùng 430 – 445 điểm với sự hiện diện của nhóm MA dài hạn và ngưỡng Fibonacci Retracement 50,0% sẽ đóng vai trò hỗ trợ tích cực cho VN-Index. 

Nguyễn Quang Minh, Phòng Nghiên cứu Vietstock

FFN