Market Strength: Cảnh báo ngắn hạn từ dòng tiền thông minh

Market Strength: Cảnh báo ngắn hạn từ dòng tiền thông minh

Nhóm chỉ số Market Strength nhìn chung còn khá mới mẽ ở Việt Nam nhưng trên thế giới, đây là nhóm chỉ số rất được giới phân tích kỹ thuật tin dùng, vì nó thể hiện được tình trạng hiện tại của thị trường một cách rõ nét nhất.

Mặt khác, chúng cũng giúp cho nhà đầu tư nhận biết được sức mạnh và độ rộng của thị trường trong từng giai đoạn một cách cụ thể. Các chỉ số Market Strength gồm Arms Index (TRIX), Thrust Index, Advance/Decline, ADL, Large Block Ratio, NVI, PVI

VN-Index hiện nay dưới góc độ các chỉ số Market Strength đang như thế nào?

Tương quan cung cầu đang ủng hộ sự bứt phá. Hầu hết các chỉ số thị trường (VN-Index, HNX-Index, VS 100...) đều có sự tăng trưởng trong những tháng gần đây với sự tăng trưởng của các mã cổ phiếu, đặc biệt là nhóm Mid Cap và Small Cap.

Nhóm chỉ số Market Strength là biểu hiện rõ nét nhất của giai đoạn này khi liên tục báo hiệu lạc quan trong thời gian gần đây.

Điển hình là chỉ số VS-Arms VN(1). EMA 5 ngày của chỉ số này liên tục duy trì bên dưới mức 0.8 trong vòng nhiều tuần qua. Điều này chứng tỏ bên mua chiếm ưu thế rất lớn trong một khoảng thời gian khá dài, giúp tạo nên điều kiện bứt phá mạnh và chắc chắn cho thị trường.

Bên cạnh đó, nhóm chỉ số tương quan cung cầu cũng đang rất tốt. EMA 5 ngày của chỉ số VS-B/SORD VN(2) liên tục lớn hơn 1 hoặc ở mức gần 1 cho thấy lực mua vẫn đang khá dồi dào trong ngắn hạn.

Cảnh báo ngắn hạn từ dòng tiền thông minh và động thái của nhà đầu tư lớn. Trên phương diện tham gia của các nhà đầu tư lớn, chúng tôi cũng nhận thấy một số dấu hiệu đáng chú ý.

Nếu quan sát chỉ số VS-LBR VN(3), chúng ta có thể nhận thấy sự tham gia tích cực của nhóm nhà đầu tư lớn. Tỷ lệ này càng tăng cao thì càng cho thấy mức độ giao dịch của các tổ chức, nhà đầu tư lớn mạnh mẽ hơn.

Thực tế cho thấy thị trường đang ở giai đoạn chuyển biến hết sức quan trọng và có thể có những biến động lớn nếu xét riêng sự biến động của VS-LBR VN, khi mà EMA 5 ngày của chỉ số này cũng liên tục tăng trưởng trong ngắn hạn và hiện đang dao động quanh mức 70%.

Giới phân tích chuyên môn thường sử dụng các chỉ số chuyên biệt để nhận biết sự dịch chuyển của dòng tiền thông minh. Trong trường hợp này chúng tôi sử dụng VS-NVI VN(4)

Theo sách Phân tích Kỹ thuật từ A-Z do Vietstock biên dịch và xuất bản, Norman Fosback cho rằng khi EMA 255 ngày của NVI bị phá vỡ thì khả năng tăng trưởng lên đến 95% trong trung và dài hạn. Thị trường giảm sâu trong suốt nhiều năm từ 2009 - 2012 thể hiện qua việc VS-NVI VN sụt giảm rất mạnh trong giai đoạn này. Tuy nhiên, dòng tiền này bắt đầu hoạt động mạnh trở lại và bứt phá trong thời gian sau đó, đặc biệt là trong khoảng 10 tháng gần đây.

Theo Norman Fosback, khi NVI chưa vượt lên trên EMA 255 ngày thì xu hướng dài hạn cũng sẽ chuyển sang trạng thái tăng điểm. Tín hiệu này cũng đã xuất hiện. Vì vậy, tình trạng hiện tại của thị trường Việt Nam là: xu hướng ngắn hạn và dài hạn đều đã khá ổn định và lạc quan.

Tuy nhiên, chỉ số này lại rơi xuống dưới đường EMA 5 ngày trong những phiên giao dịch gần đây chứng tỏ dòng tiền và xu hướng ngắn hạn của thị trường đã khá bi quan trở lại, và nhà đầu tư cần thận trọng để tránh rủi ro ngắn hạn.

Ghi chú:

(1) VS-Arms VN: Chỉ số Arms tính chung cho cả hai sàn HOSE và HNX

(2) VS-B/SORD VN: Chỉ số BUY ORDER/SELL ORDER tính chung cho cả hai sàn HOSE và HNX

(3) VS-LBR VN: Chỉ số LARGE BLOCK RATIO tính chung cho cả hai sàn HOSE và HNX

(4) VS-NVI VN: Chỉ số NVI (NEGATIVE VOLUME INDEX) tính chung cho cả hai sàn HOSE và HNX

Nguyễn Quang Minh

công lý