NHTW thứ 9 trên thế giới bất ngờ nới lỏng tiền tệ trong tháng 1/2015

NHTW thứ 9 trên thế giới bất ngờ nới lỏng tiền tệ trong tháng 1/2015

Đôla Singapore chìm nghỉm sau động thái nới lỏng tiền tệ bất ngờ của MAS

Đồng đôla của Singapore đã lao xuống mức thấp nhất kể từ năm 2010 so với đồng USD sau khi ngân hàng trung ương nước này bất ngờ nới lỏng chính sách tiền tệ. Như vậy, Singapore đã tiếp bước các NHTW toàn cầu khác trong công cuộc vực dậy tăng trưởng giữa bối cảnh lạm phát tiếp tục suy yếu.

* NHTW Thụy Sỹ sẵn sàng can thiệp thị trường ngoại hối

* ECB chính thức tung gói QE "khủng" hơn dự báo

* Thêm một NHTW giảm lãi suất sốc trước khi ECB tung gói QE

* 90 phút sau khi ECB công bố QE, một NHTW đã hạ lãi suất lần thứ 2 chỉ trong 4 ngày

* Đan Mạch hạ lãi suất sâu xuống mức âm để ngăn ảnh hưởng từ Thụy Sỹ

 

Vào lúc 14h11 giờ địa phương, đồng đôla Singapore (SGD) đã giảm 0.9% xuống 1.3512 SGD/USD, mức thấp nhất kể từ tháng 9/2010. Đồng tiền này đã giảm gần 6% so với đồng USD trong 3 tháng qua và trở thành đồng tiền giảm giá mạnh thứ 3 trong số 11 đơn vị tiền tệ được giao dịch nhiều nhất tại châu Á do Bloomberg theo dõi.

Ủy ban Tiền tệ Singapore (MAS) cho biết trong thông báo bất ngờ ngày thứ Tư rằng cơ quan này sẽ theo đuổi tốc độ tăng giá chậm hơn của đồng SGD so với một giỏ tiền tệ được MAS giữ kín. Theo đó, MAS sẽ cắt giảm độ dốc của biên độ giao dịch đồng SGD nhưng không thay đổi độ rộng cũng như trọng tâm của biên độ giao dịch. Ngân hàng này cho biết sẽ duy trì việc “tăng giá dần dần và vừa phải” trong biên độ chính sách tiền tệ.

Được biết, thay vì sử dụng lãi suất, Singapore đã thiết lập chính sách tiền tệ bằng cách điều chỉnh biên độ giao dịch của đồng nội tệ. Theo đó, Singapore điều hành đồng nội tệ trong một biên độ không được công bố và điều chỉnh tốc độ tăng/giảm giá bằng cách thay đổi độ dốc, độ rộng và trọng tâm của biên độ giao dịch.

Bên cạnh đó, MAS cũng cắt giảm ước tính lạm phát 2015 khi dự báo giá cả có thể giảm tới 0.5%. Theo số liệu của Bloomberg, lần đầu tiên kể từ năm 2009, CPI của Singapore đã giảm tháng thứ hai trong tháng 12/2014.

Đây là lần thay đổi chính sách khẩn cấp đầu tiên của MAS kể từ động thái của ngân hàng trung ương này sau vụ tấn công ngày 11/09/2001, qua đó cho thấy đà lao dốc của giá dầu đã khiến triển vọng thay đổi như thế nào trong các tháng gần đây. Lần nới lỏng chính sách gần nhất của MAS diễn ra vào tháng 10/2011. Với động thái ngày hôm nay, ít nhất Singapore đã trở thành quốc gia thứ 9 nới lỏng tiền tệ trong tháng này giữa bối cảnh các quan chức từ châu Âu cho đến Canada và Ấn Độ đều đang đương đầu với tình trạng giảm phát ngày càng leo thang và đà tăng trưởng ảm đạm của nền kinh tế toàn cầu.

“Kể từ Thông báo Chính sách Tiền tệ (MPS) gần nhất vào tháng 10/2014, diễn biến lạm phát trong nước vào toàn cầu đã dẫn đến sự thay đổi đáng kể của triển vọng CPI năm 2015 của Singapore. Kinh tế toàn cầu tiếp tục tăng trưởng với tốc độ không đồng đều và đà sụt giảm của giá dầu đã khiến lạm phát suy yếu”. MAS cho biết kinh tế Singapore vẫn trên đà đạt được tốc độ tăng trưởng từ 2-4% trong năm 2015.

Theo MAS, dù tỷ giá đã suy yếu so với đồng USD nhưng vẫn tăng so với đồng ringgit, đồng EUR và đồng JPY trong 3 tháng vừa qua. Được biết, MAS sử dụng tỷ giá như một công cụ quan trọng và chỉ ra thông báo 2 lần/năm vào tháng 4 và tháng 10 dù cơ quan này luôn sẵn sàng xem xét lại chính sách trong khoảng thời gian này.

Chỉ riêng trong tháng 1/2015, NHTW châu Âu (ECB) đã công bố chương trình nới lỏng định lượng (QE) trong khi NHTW các nước Canada, Đan Mạch và Ấn Độ hạ lãi suất. Theo dự báo sẽ có thêm các NHTW khác hành động trong thời gian tới khi Thống đốc NHTW Nhật Bản (BoJ) cho biết nước này cần phải sáng tạo trong bất kỳ chương trình kích thích tiền tệ nào khác và các nhà làm chính sách Thái Lan đang đối mặt với áp lực ngày càng cao trong việc hạ lãi suất.

Phước Phạm (Theo Bloomberg, CNBC)