Rút vốn kỷ lục khỏi quỹ đầu tư trái phiếu toàn cầu trước khi Fed nâng lãi suất

Rút vốn kỷ lục khỏi quỹ đầu tư trái phiếu toàn cầu trước khi Fed nâng lãi suất

Nỗi lo sợ của nhà đầu tư về tính thanh khoản của các trái phiếu “rác” đã dẫn đến làn sóng rút vốn kỷ lục khỏi các quỹ đầu tư trái phiếu doanh nghiệp trong tuần trước khi diễn ra cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

* Nhà đầu tư đổ xô vào tiền mặt trước cuộc họp lịch sử của Fed

* Các quỹ đầu tư cổ phiếu Mỹ bị rút vốn ồ ạt

* Fed chính thức nâng lãi suất lần đầu tiên từ năm 2006

 

Theo CNBC, các quỹ đầu tư trái phiếu toàn cầu đã chứng kiến lượng thất thoát vốn mạnh nhất kể từ tháng 6/2013 trong tuần kết thúc ngày thứ Tư (16/12) với khoảng 13 tỷ USD đã bị rút khỏi các quỹ này, bao gồm cả trái phiếu có lợi suất cao và trái phiếu thuộc cấp độ đầu tư.

Bank of America Merrill Lynch (BofAML) cho biết làn sóng rút vốn khỏi các tài sản có thu nhập cố định vẫn tập trung ở các quỹ đầu tư trái phiếu “rác” với mức thất thoát lên tới 5.3 tỷ USD. Trong khi đó, số liệu riêng của Thomson Reuters Lipper cho thấy các quỹ đầu tư trái phiếu doanh nghiệp cũng chứng kiến mức rút ròng vào khoảng 4.8 tỷ USD. Theo Lipper, lượng vốn rút khỏi các quỹ đầu tư trái phiếu trong tuần vừa qua là cao nhất kể từ khi tổ chức này bắt đầu thu thập số liệu vào năm 1992.

Trái phiếu lợi suất cao, còn được gọi là trái phiếu đầu cơ hay trái phiếu rác, là loại trái phiếu do các doanh nghiệp phát hành và được Standard & Poor’s (S&P) xếp hạng tín nhiệm ở mức “BB” hoặc Moody's xếp hạng tín nhiệm “Ba”. Loại trái phiếu này có rủi ro vỡ nợ cao hơn so với các trái phiếu thuộc cấp độ đầu tư nhưng lại mang tới cho nhà đầu tư mức sinh lời tốt hơn khi lợi suất tăng cao.

Cũng theo BofAML, nhà đầu tư đã tăng cường rót tiền vào các quỹ thị trường tiền tệ trước khi diễn ra cuộc họp lịch sử của Fed với quyết định nâng lãi suất lần đầu tiên trong gần 10 năm. Cụ thể, trong tuần vừa qua, các quỹ đầu tư thị trường tiền tệ đã thu hút được 13.4 tỷ USD, đánh dấu tuần hút vốn thứ 10 liên tiếp – đợt hút vốn dài nhất kể từ tháng 3/2008 của ngành công nghiệp thị trường tiền tệ quy mô 2.7 ngàn tỷ USD./.