Hậu quả của chính sách lãi suất âm

Hậu quả của chính sách lãi suất âm

“Các ngân hàng trung ương sẽ hạ lãi suất xuống mức nào?” là câu hỏi đã được đặt ra khá lâu. Tuy nhiên, mãi cho đến gần đây mới có giả định cho rằng nhiều nhà làm chính sách sẽ dừng hẳn việc cắt giảm lãi suất danh nghĩa khi lãi suất đã lùi về mức 0%.

Virus “lãi suất âm” và chiến tranh tiền tệ

NHTW Nhật lần đầu áp dụng chính sách lãi suất âm

Thế nhưng, theo nhận định của nhà chiến lược Christopher Swann tại Công ty Quản lý Quỹ UBS, lãi suất âm – mức lãi suất đang được áp dụng đối với các ngân hàng thương mại gửi tiền tại ngân hàng trung ương – đang được triển khai rộng rãi.

Theo CNBC, lãi suất âm lại đang được áp dụng ở các quốc gia chiếm tới hơn 25% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu, bao gồm khối Eurozone, Thụy Sỹ và gần đây nhất là Nhật Bản với mức lãi suất âm 0.1%, trong một nỗ lực khôi phục nền kinh tế bằng việc kích thích đầu tư.

Kể cả ở Mỹ, dù thị trường đã chiết khấu mức tăng lãi suất 1% vào cuối năm 2015 nhưng cũng đang dự đoán rằng xác suất Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) áp dụng mức lãi suất âm trong 12 tháng tới là 10% (cao hơn gấp 4 lần so với dự báo đưa ra đầu năm nay), nhằm ứng phó với các chỉ báo kinh tế yếu ớt gần đây.

Các ngân hàng trung ương (NHTW) áp dụng chính sách lãi suất âm với hy vọng tăng trưởng kinh tế và thị trường sẽ được cải thiện. Vậy lãi suất âm sẽ có tác động như thế nào đến một nhà đầu tư bình thường?

Thứ nhất, chính sách này sẽ thúc đẩy các ngân hàng thương mại cho vay nhiều hơn để tránh mức phạt đối với lượng tiền mặt dư thừa cao hơn mức cho phép.

Thứ hai, mức lãi suất dưới 0% cũng có thể khiến đồng nội tệ suy yếu, thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu và lạm phát trong khi hạn chế nhập khẩu.

Thứ ba, bằng cách giảm lợi suất trái phiếu Chính phủ ngắn hạn, lãi suất âm khiến thị trường chứng khoán hấp dẫn hơn.

Thứ tư, chi phí lãi vay âm có thể hỗ trợ cho các phương án nới lỏng khác (chẳng hạn như chương trình nới lỏng định lượng - QE), và là tín hiệu cho thấy nỗ lực của NHTW trong việc giải quyết lạm phát thấp hơn kỳ vọng.

Trên lý thuyết là vậy nhưng trong thực tế, các lần áp dụng mức lãi suất âm trước đây lại cho thấy mọi chuyện không nhất định diễn biến như mong đợi. Giới hạn của chính sách này là gì và liệu nó có đem lại hậu quả không mong đợi? Câu trả lời là có.

Thứ nhất, tín dụng có thể bị thắt chặt. Để lãi suất âm thúc đẩy cho vay ngân hàng, các ngân hàng thương mại cần phải sẵn sàng cho vay với mức chi phí thấp hơn hoặc cho vay nhiều hơn. Điều này rõ ràng không có lợi cho lợi nhuận của các ngân hàng thương mại. Đến lúc lợi nhuận bị ảnh hưởng quá nặng nề, các ngân hàng sẽ thu hẹp phạm vi cho vay. Các khó khăn trong việc áp dụng mức lãi suất âm đối với bên cho vay có thể khiến chi phí lãi vay tăng cho người đi vay. Thụy Sỹ và Đan Mạch là các ví dụ điển hình khi người mua nhà phải chịu lãi vay mua nhà cao khi lãi âm được áp dụng.

Và không phải lúc nào chính sách này cũng có hiệu quả với thị trường chứng khoán. Lãi âm sẽ khiến nhà đầu tư chuyển từ trái phiếu sang cổ phiếu, nhưng thời gian vừa qua hiệu ứng này không được rõ ràng. Bởi các ngân hàng chiếm tỷ lệ vốn hóa lớn trong thị trường vốn, ví dụ như ở Mỹ và Nhật Bản, việc lợi nhuận ngân hàng bị cắt giảm sẽ khiến các chỉ số thị trường chứng khoán thêm trì trệ.

Lãi âm còn có thể khiến đồng nội tệ mất giá. Tuy nhiên, dường như mối liên kết này đã bị phá vỡ. Điển hình là trường hợp đồng Yên Nhật gần đây đã tăng 5.4% so với đô la Mỹ từ khi áp dụng lãi suất dưới 0%, song song với đó là khẩu vị rủi ro ngày càng cao đã làm lu mờ sự chênh lệch về lãi suất.

Các ngân hàng trung ương có thể đi quá xa. Chủ tịch NHTW châu Âu (ECB) Mario Draghi phát biểu rằng không có giới hạn cho gói nới lỏng mà ngân hàng này đang áp dụng. Nhưng ít nhất chúng ta sẽ có hạn mức cho mức lãi suất âm hiện hành. Tại một thời điểm nhất định, khách hàng gửi tiền tại các ngân hàng thương mại sẽ buộc phải chuyển các khoản tiết kiệm sang tiền mặt nếu không muốn bị phạt.

NHTW các nước quả quyết sẽ làm mọi điều trong khả năng để kích thích tăng trưởng và kéo lạm phát khỏi mức trì trệ. Tuy nhiên, do các chính sách ngày càng trở nên bất thường nên nhà đầu tư vẫn nên theo dõi tình hình sát sao hơn một khi các chính sách này có khả năng gây ra các phản ứng phụ không mong muốn./.

Được biết, Christopher Swann, là một nhà chiến lược tại Văn phòng Đầu tư của Công ty Quản lý Quỹ UBS. Hiện ông đang giám sát khối tài sản có quy mô 2 ngàn tỷ USD./.