JPY tăng mạnh sau quyết định lãi suất âm của BOJ, Fed trở thành tâm điểm

JPY tăng mạnh sau quyết định lãi suất âm của BOJ, Fed trở thành tâm điểm

Đồng USD giảm giá trong giờ giao dịch tại châu Á vào ngày thứ Ba khi đồng JPY tăng mạnh sau quyết định giữ nguyên chính sách tiền tệ của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ), Reuters đưa tin.

ECB bất ngờ tung một loạt biện pháp kích thích kinh tế

Fed và BOJ sẽ gây bất ngờ trong tuần này?

 

Tâm điểm tiếp theo của thị trường sẽ là cuộc họp 2 ngày của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu vào ngày thứ Ba. Theo dự báo, các cặp tiền tệ chủ chốt sẽ dao động trong phạm vi quen thuộc khi nhà đầu tư chờ đợi manh mối mới về triển vọng chính sách tiền tệ Mỹ.

Trở lại với cuộc họp 2 ngày vừa kết thúc vào ngày thứ Ba của BOJ, ngân hàng này đã duy trì cam kết nâng cơ sở tiền tệ thêm 80 ngàn tỷ JPY mỗi năm và giữ nguyên lãi suất áp dụng đối với lượng tiền mặt dư thừa của các ngân hàng thương mại mở mức âm 0.1%.

Mặc dù có thể hiện tại kinh tế Nhật Bản xứng đáng nhận được thêm các biện pháp kích thích khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) lõi vẫn còn thấp hơn mức mục tiêu 2%, nhưng theo dự báo của các nhà kinh tế và hầu hết các chuyên viên phân tích, BOJ chỉ có thể áp dụng thêm các biện pháp kích thích vào tháng 7 sau khi đã đánh giá tác động của chính sách lãi suất âm được ngân hàng này bắt đầu áp dụng vào tháng 1 vừa qua.

BOJ cho biết, nếu cần thiết, ngân hàng này sẽ áp dụng thêm các biện pháp mới để đạt được mục tiêu lạm phát 2% và việc xem xét tỷ lệ dự trữ để áp dụng lãi suất âm sẽ được thực hiện định kỳ 3 tháng một lần.

Ngân hàng này cũng cho biết sẽ theo dõi sát tác động của những biến động gần đây trên thị trường tài chính đối với niềm tin doanh nghiệp, đồng thời cảnh báo điều đó có thể làm chậm quá trình thoát khỏi tình trạng giảm phát kéo dài hàng thập kỷ qua tại Nhật Bản.

Bên cạnh đó, thông báo của BOJ cũng không còn nội dung “ngân hàng này sẽ tiếp tục hạ xuống mức âm nếu cần thiết” và cho biết sẽ không áp dụng chính sách lãi suất âm đối với các quỹ dự trữ tiền tệ (MRF). Thay vào đó, mức lãi suất áp dụng đối với các MRF là 0%. Đồng thời, nhận định về nền kinh tế của BOJ cũng có phần bi quan hơn so với trong tháng 1.

Trước đó, hầu hết các nhà đầu tư đều kỳ vọng BOJ sẽ giữ nguyên chính sách khi Thống đốc Haruhiko Kuroda cho biết ông hy vọng sẽ dành thêm thời gian để đánh giá về tác động kinh tế của chính sách lãi suất âm. Được biết, ông Kuroda sẽ tổ chức cuộc họp báo vào lúc 13h30 theo giờ Việt Nam.

Trên thị trường tiền tệ, đồng USD giảm khoảng 0.3% xuống 113.46 JPY, trong khi đồng EUR trượt khoảng 0.2% xuống 126.04 JPY.

Đồng USD đã tăng lên tới 121.70 JPY vào hôm 29/01 ngay sau thông báo của BOJ. Tuy nhiên, kể từ thời điểm đó đến nay, đồng tiền này đã giảm hơn 6%.

Đồng EUR nhích nhẹ lên 1.1108 USD, gần bằng mức cao nhất trong một tháng xác lập vào tuần trước sau khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Mario Draghi tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ kèm với nhận định cho thấy việc cắt giảm lãi suất hơn nữa là không thể.

Đồng USD giảm khoảng 0.1% so với giỏ tiền tệ, với chỉ số đồng USD, thước đo diễn biến của đồng USD so với 6 đồng tiền lớn khác, xuống 96.540 nhưng vẫn còn nằm trên mức đáy một tháng tại 95.938 xác lập hôm thứ Sáu.

Liên quan đến Fed, hầu hết các dự báo đều cho rằng cơ quan này sẽ giữ nguyên lãi suất và có thể công bố rõ lộ trình nâng lãi suất trong tương lai bất chấp mối lo ngại về sức mạnh của nền kinh tế toàn cầu, cũng như lạm phát và việc làm tại Mỹ tiếp tục cải thiện.

Hôm thứ Hai, một thước đo ngày càng quan trọng về lạm phát Mỹ đã phục hồi khỏi các mức thấp kỷ lục trong tháng 1 vừa qua. Điều này, cùng với các chỉ báo khả quan khác về giá cả, có thể dọn đường cho các lần nâng lãi suất của Fed trong tương lai.

Ngoài ra, các nhà phân tích cho biết bức tranh toàn cầu đã ổn định hơn so với trong tháng 1, khi Fed chỉ ra đà suy giảm của nền kinh tế Mỹ, sự suy yếu của lạm phát và các nhân tố bên ngoài bao gồm Trung Quốc và giá dầu./.