Market Maker, họ là ai?

Market Maker, họ là ai?

Mới đây, Sở GDCK Hà Nội (HNX) đã ban hành dự thảo quy chế hoạt động của thành viên tạo lập thị trường nhằm củng cố tính thanh khoản của thị trường, qua đó mở ra cơ hội cho các nhà tạo lập thị trường xuất hiện trên thị trường chứng khoán Việt Nam vào đầu năm 2017. 

* Sản phẩm Covered Warrant: Nhà tạo lập thị trường sẽ làm gì?

* Những điều cần biết về Market Maker trên HNX

Để giúp nhà đầu tư (NĐT) hiểu rõ hơn về thuật ngữ này, chúng tôi giới thiệu cùng bạn đọc một cái nhìn tổng quan về Market Maker, cách thức hoạt động cũng như vai trò của họ trên thị trường.

Market Maker là ai?

Market Maker (nhà tạo lập thị trường) có thể là một cá nhân hoặc một tổ chức trung gian tài chính chấp nhận rủi ro nắm giữ một khối lượng nhất định của một loại chứng khoán nhất định nhằm thúc đẩy giao dịch đối với loại chứng khoán đó.

Nhà tạo lập thị trường có trách nhiệm đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư đối với một chứng khoán nhất định. Cụ thể, khi một NĐT muốn bán (mua) một chứng khoán nào đó và không có thành viên nào trên thị trường muốn mua (bán) chứng khoán đó thì nhà tạo lập thị trường sẽ tiến hành thực hiện giao dịch. Thông qua cơ chế này, một NĐT bất kỳ muốn mua một chứng khoán cụ thể thì sẽ có người sẵn sàng bán và ngược lại.

Sự tồn tại của các nhà tạo lập thị trường làm quá trình giao dịch diễn ra một cách trơn tru và nhanh chóng hơn, giảm thiểu rủi ro thanh khoản và quan trọng nhất là tạo điều kiện để NĐT dễ dàng gia nhập hoặc thoát khỏi một vị thế đối với một chứng khoán nhất định.

Vậy nhà tạo lập thị trường nhận được gì từ những giao dịch như thế này?

Về bản chất, nhà tạo lập thị trường vẫn là một doanh nghiệp hoạt động vì lợi nhuận. Các nhà tạo lập thị trường hoạt động thông qua cơ chế yết giá hỏi mua và giá chào bán một cách công khai và liên tục. Trong đó, giá hỏi mua là mức giá cao nhất mà nhà tạo lập thị trường sẵn sàng trả để mua chứng khoán và giá chào bán là mức giá thấp nhất mà nhà tạo lập thị trường chấp nhận bán chứng khoán. Bằng cách thiết lập mức giá chào bán cao hơn mức giá hỏi mua, nhà tạo lập thị trường sẽ tạo ra một khoản lợi nhuận bằng chênh lệch giữa giá bán ra và giá mua vào. Chênh lệch giá mua-bán được xem như là phần thưởng cho những rủi ro mà họ phải gánh chịu trong suốt quá trình tạo lập thị trường cũng như sự sẵn lòng đáp ứng nhu cầu mua bán của NĐT.

Mặc dù trên thực tế chênh lệch này có thể rất thấp, nhưng khi chúng ta thực hiện giao dịch một số lượng lớn chứng khoán thì có thể thu được một khoản tiền khá lớn.

Ví dụ: Giả sử chứng khoán A có giá hỏi mua là 10,000 đồng và giá chào bán là 12,000 đồng. Đối với mỗi chứng khoán được giao dịch, nhà tạo lập thị trường có thể tạo ra lợi nhuận là 2,000 đồng từ chênh lệch giá hỏi mua và giá chào bán. Tuy nhiên, nếu chúng ta giao dịch một lúc 100,000 chứng khoán, thì khoản lợi nhuận sẽ lên tới 200,000,000 đồng./.