VN-Index có cơ hội đạt đỉnh bao nhiêu và nhà đầu tư nên làm gì?

VN-Index có cơ hội đạt đỉnh bao nhiêu và nhà đầu tư nên làm gì?

Trong bối cảnh thị trường chung đang tích lũy đi ngang thì việc chọn lựa cổ phiếu cho danh mục đầu tư luôn rất khó khăn. Và có ý kiến cho rằng trước tình hình này, nhà đầu tư nên tuân thủ kỷ luật trong đầu tư, quay lại với nhóm cổ phiếu tốt.

Nói về xu hướng trong hiện tại, ông Ngô Thế Hiển – Phó Trưởng phòng Phân tích CTCK Sài Gòn – Hà Nội (SHS) nhận định, thị trường vẫn chưa thể bứt phá ngay được mà sẽ còn tiếp tục đi ngang trong ngắn hạn. Do đó, trong tình thế này, nhà đầu tư ngắn hạn nên đứng ngoài quan sát để chờ đợi một xu hướng rõ hơn. Còn đối với nhà đầu tư trung và dài hạn thì có thể xem xét giải ngân ở nhóm cổ phiếu cơ bản.

Ông Hiển cũng cho biết thêm, việc kỳ vọng vào VN-Index trở lại vùng đỉnh năm 2007 là lạc quan hơi quá sớm, bởi vùng đỉnh mà chỉ số này có thể chạm được trong năm nay chỉ có thể trong vùng 780-800 điểm.

Nhìn nhận một cách tổng quan hơn, ông Bạch An Viễn – Trưởng Phòng Phân tích CTCP Chứng khoán KIS Việt Nam (KIS) cho rằng, năm 2017, thị trường chứng khoán sẽ được hỗ trợ từ động thái nới room, lợi nhuận doanh nghiệp được cải thiện, tỷ giá ổn định, đặc biệt xu thế chào sàn của những ông đã tạo nguồn cung hàng hóa có chất lượng, giúp thanh khoản thị trường gia tăng.

Tính riêng hai tháng đầu năm 2017, VN-Index đã tăng thêm đến 7% và dự phóng sẽ hướng về đỉnh cao nhất trong 10 năm. Theo đó, VN-Index có thể vận động trong xu thế tăng từ 680 – 760 điểm trong năm 2017, tuy nhiên tương tự năm 2016, xu thế tăng của thị trường sẽ không liên tục, mà ngắt quãng theo từng thời điểm.

Ông Viễn cũng nhận định đỉnh cao nhất mà VN-Index có thể đạt trong năm 2017 có thể là 760 điểm. Với một thị trường đã trải qua hơn 17 năm trưởng thành, những kỳ vọng ảo thực tế đã và sẽ không còn tồn tại.

Nhắc về câu chuyện thị trường những năm 2006 – 2007, ông Viễn cho rằng thời gian này thị trường chứng khoán Việt Nam còn khá nhỏ bé và non nớt, yếu tố đầu cơ còn nhiều, đồng thời chính sách tiền tệ thái quá lúc bấy giờ khiến lượng cung tiền tăng mạnh, dẫn đến sự bùng nổ đẩy chỉ số thị trường tăng vượt mốc 1,000 điểm. Tuy nhiên, sau hơn 10 năm, đến nay câu chuyện đã hoàn toàn khác, với chủ trương lãnh đạo rõ ràng “Thúc đẩy kinh tế nhưng phải ổn định vĩ mô”, dòng tiền nước ngoài không nhiều, bên cạnh những rủi ro tỷ giá, rủi ro từ nước láng giềng Trung Quốc,… thì thị trường chứng khoán nhìn chung sẽ tăng trưởng trong một giới hạn được kiểm soát nhất định.

Thị trường chứng khoán Việt Nam nhìn chung vẫn còn là thị trường sơ khai, chưa thể gọi là thị trường mới nổi. Do đó, dự kiến sự chuyển mình sang thị trường mới nổi trong tương lai gần sẽ là động lực thúc đẩy chỉ số tăng như năm 2007”, ông Viễn chia sẻ thêm.

Cũng có cái nhìn lạc quan về thị trường, ông Nguyễn Thanh Lâm, Phó phòng Phân tích CTCK MayBank KimEng (MBKE) cho biết, thực tế thị trường đã nóng từ nhiều tuần qua, nhưng nhìn cách di chuyển của dòng tiền (xoay vòng giữa các nhóm cổ phiếu, trong đó nhóm ngân hàng vẫn là trụ) thì sau vài phiên tích lũy, VN-Index sẽ nhanh chóng bứt phá qua vùng 720 điểm.

Xác suất này cao hơn nhiều so với kịch bản giảm bởi ngoài yếu tố dòng tiền, thông tin về việc Fed có khả năng tăng lãi suất trong thời gian tới sẽ không còn là yếu tố bất ngờ nữa vì đã được dự báo trước. Thêm vào đó, việc quyết tâm để nâng hạn thị trường, niêm yết mới và thoái vốn thành công cũng hỗ trợ tình hình chung sáng sủa hơn.

Trong giai đoạn vừa qua, thị trường khá ưu ái cho nhà đầu tư, gần như nhóm cổ phiếu tốt xấu nào cũng tăng, thậm chí một vài cổ phiếu có kết quả kinh doanh thua lỗ còn tăng mạnh hơn nhóm hàng có chỉ số tài chính tốt. Khó đoán khi nào hiện tượng này sẽ chấm dứt nhưng thường về trung hạn, hiện tượng này hiếm khi kéo dài, ông Lâm nói thêm.

Vì vậy, sau một giai đoạn nữa, nhà đầu tư nên quay lại để tuân thủ các kỹ luật trong đầu tư, tập trung tiền vào nhóm cổ phiếu tốt bởi nhóm đầu cơ lên nhanh thì xuống nhanh./.