Các nhà sản xuất dầu trong và ngoài OPEC tổ chức họp không chính thức

Các nhà sản xuất dầu trong và ngoài OPEC tổ chức họp không chính thức 

Các bộ trưởng từ các nhà sản xuất dầu trong và ngoài OPEC sẽ họp mặt để tham vấn không chính thức vào ngày thứ Tư (24/05), trong một nỗ lực cuối cùng nhằm thống nhất về thời hạn của các đợt cắt giảm sản lượng dầu, Reuters cho hay.

Trong đó, nhà sản xuất dầu hàng đầu của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) là Ả-rập Xê-út ủng hộ gia hạn thỏa thuận cắt giảm thêm 9 tháng nhằm đẩy nhanh quá trình tái cân bằng thị trường và ngăn chặn giá dầu trượt dốc xuống dưới mức 50 USD/thùng.

* Đâu mới là lý do thực sự khiến Ả-rập Xê-út và Nga đồng ý gia hạn thỏa thuận cắt giảm?

Các thành viên khác của OPEC là Iraq và Algeria cũng như nhà sản xuất ngoài OPEC là Nga cũng ủng hộ kéo dài thỏa thuận thêm 9 tháng nữa. Trong khi đó, Kuwait và các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE) lại cần phân tích thêm trước khi đưa ra quyết định.

* OPEC đứng trước ngã rẽ quyết định

Được biết, OPEC sẽ tổ chức cuộc họp chính thức ở Vienna vào ngày thứ Năm để xem xét liệu có nên kéo dài thỏa thuận đã ký kết hồi tháng 12/2016 hay không.

Vào ngày thứ Tư, ủy ban giám sát cấp bộ trưởng –  bao gồm các thành viên OPEC là Kuwait, Venezuela, Algeria và cả các nhà sản xuất ngoài OPEC là Nga và Oman – sẽ gặp gỡ ở Vienna để xem xét về tiến độ cắt giảm và tác động của các đợt cắt giảm này lên nguồn cung toàn cầu.

Một vài đại diện của OPEC cho biết họ hy vọng các cuộc họp ngày thứ Tư và thứ Năm sẽ không gặp nhiều khó khăn và có thể cho ra quyết định gia hạn thêm 9 tháng nữa.

* Thỏa thuận giảm sản lượng dầu sẽ kéo dài đến 2018?

“Tôi nghĩ cuộc họp sẽ diễn ra một cách suôn sẻ”, một đại diện của OPEC cho hay, đồng thời nhấn mạnh đến các dấu hiệu đồng thuận trong nhóm, bao gồm cả Iran.

Một vài đại diện và bộ trưởng không cho rằng các đợt cắt giảm có thể được kéo dài thêm đúng 1 năm.

Những kết quả bất ngờ có thể xảy ra bao gồm quyết định cắt giảm sâu hơn, nhưng xác suất là rất thấp. Nguyên nhân là do các nhà sản xuất ngoài OPEC có khả năng sẽ tham gia thỏa thuận lần đầu tiên vào ngày thứ Năm, chẳng hạn như Turkmenistan và Ai Cập, có quy mô khá nhỏ.

Các đợt cắt giảm của OPEC đã giúp đẩy giá dầu vượt mức 50 USD/thùng, đồng thời mang lại nguồn tài chính cho các nhà sản xuất. Vào lúc 7h50 ngày thứ Tư (giờ GMT), giá dầu Brent tăng 0.5% lên gần mức 54.50 USD/thùng.

Tuy nhiên, giá dầu tăng cũng thúc đẩy sự tăng trưởng của ngành sản xuất dầu đá phiến ở Mỹ – quốc gia vốn không tham gia vào thỏa thuận sản lượng, qua đó làm chậm lại quá trình tái cân bằng thị trường dầu và khiến dự trữ dầu toàn cầu vẫn ở gần mức cao kỷ lục./.