Truyền thông Trung Quốc: Mỹ hãy thôi “ảo tưởng” Trung Quốc sẽ nhượng bộ trong cuộc thương chiến

Truyền thông Trung Quốc: Mỹ hãy thôi “ảo tưởng” Trung Quốc sẽ nhượng bộ trong cuộc thương chiến

Bắc Kinh kêu gọi các quan chức ở Washington từ bỏ ảo tưởng về việc Trung Quốc sẽ nhún nhường trong cuộc chiến thương mại dài dăng dẳng giữa hai quốc gia trước khi Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp mặt trực tiếp tại hội nghị thượng đỉnh G20 vào cuối tuần này.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (bên phải)

Một bài bình luận trên Taoran Notes – tài khoản mạng xã hội có liên kết với một tờ báo chính thức Economic Daily – cho biết vào cuối ngày thứ Ba (25/06) rằng Mỹ đã thay đổi thái độ để được phần hơn trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung. Nhưng bài bình luận này chứa đựng lời cảnh báo rằng các cuộc đàm phán sẽ “không đạt bước tiến to lớn” nếu như Mỹ cứ tiếp tục gây áp lực lên Trung Quốc.

* Bí ẩn về Taoran Notes, tài khoản WeChat nắm được nội tình của các cuộc đàm phán thương mại?

“Có một số quan chức ở Mỹ vẫn chưa nhận rõ quyết tâm của Trung Quốc và tiếp tục vun vén cho ảo tưởng rằng họ có thể gây áp lực để khiến Trung Quốc phải khuất phục”, trích từ bài bình luận trên.

Bài đăng mới nhất từ Taoran Notes – vốn đã đăng nhiều bài bình luận về chiến tranh thương mại và dường như chưa có thông tin nội bộ về tiến triển đàm phán – được đưa ra trước khi ông Trump và ông Tập dự kiến gặp nhau bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 vào ngày thứ Bảy (29/06) để bàn luận về cuộc chiến thương mại hiện tại.

Bloomberg dẫn lại nguồn tin thân cận cho biết Mỹ sẵn lòng hoãn triển khai vòng áp thuế lên 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc trong lúc Bắc Kinh và Washington chuẩn bị nối lại đàm phán thương mại.

* Bloomberg: Mỹ định hoãn áp thêm thuế lên Trung Quốc?

Quyết định này – vốn vẫn đang được cân nhắc – có thể được thông báo sau cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại hội nghị thượng đỉnh G20 vào ngày thứ Bảy (29/06). Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) Robert Lighthizer và Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc đã bàn về bản phác thảo về chương trình nghị sự cho cuộc gặp Trump-Tập.

Bloomberg dẫn lại nguồn tin thân cận cho biết, cuộc điện đàm giữa các quan chức Mỹ-Trung là khá hiệu quả. Họ cho biết, hai bên đã bàn về cách thức để làm sao mà người dân trong nước nhìn nhận việc nối lại đàm phán đã là một chiến thắng.

Các chuyên viên phân tích cho rằng hai bên khó mà tiến tới một thỏa thuận đột phá về thương mại và về cuộc xung đột công nghệ chiến lược. Thay vào đó, kịch bản tốt nhất sẽ là hai bên tạm thời đình chiến về hàng rào thuế quan – khá tương tự với thỏa thuận mà hai nhà lãnh đạo đã tiến tới tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Argentina vào tháng 12/2018.

Giới truyền thông Nhà nước Trung Quốc đã đưa ra những nhận định cứng rắn kể từ khi các cuộc đàm phán thương mại đổ vỡ trong tháng 5/2019, cáo buộc bên Mỹ đưa ra những yêu cầu không hợp lý và phủ nhận cáo buộc Trung Quốc đã “trở mặt” và rút lại các lời hứa đã đưa ra trước đó.

* SCMP: Phải chăng các nhà đàm phán Trung Quốc đưa ra lời hứa mà họ không thể thực hiện?

Giới truyền thông Nhà nước Trung Quốc cũng nhấn mạnh rằng, hai quốc gia có thể giải quyết xung đột thương mại. Trong ngày thứ Tư (26/06), một bài đăng trên tờ Nhân dân Nhật báo – cơ quan ngôn luận chính thức của Đảng Cộng Sản Trung Quốc – cho biết các hàng rào thuế quan của Mỹ và xung đột Mỹ-Trung hiện tại đang gây tổn thương tới trật tự quốc tế, đồng thời có đoạn: “Trung Quốc hy vọng sẽ cùng chung tay với Mỹ để giải quyết xung đột và mở rộng sự hợp tác, từ đó tạo ra sự ổn định giữa hai quốc gia”.

Bài đăng của Taoran Notes trong ngày thứ Ba (25/06) lưu ý rằng, đã có một “diễn biến mới” trong xung đột thương mại Mỹ-Trung, trong đó cả hai bên đồng ý nối lại đàm phán trong cuộc điện đàm giữa Phó Thủ tướng Trung Quốc và Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer cùng với Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin.

Bài đăng này còn cho biết, các biện pháp đáp trả của Trung Quốc đã góp phần làm thay đổi thái độ của Mỹ trong cuộc thương chiến.

“Mỹ đã chủ động gọi điện (trong tuần trước) để thể hiện rằng họ muốn liên lạc để nhanh chóng tìm ra giải pháp cho cuộc chiến hiện tại, cho thấy sự thấu hiểu về cách giải quyết vấn đề”, trích từ bài đăng của Taoran Notes.

Thế nhưng, bài đăng cũng chỉ trích động thái thêm 5 công ty siêu máy tính vào danh sách đen của Mỹ trong ngày thứ Sáu (21/06) vì lý do an ninh quốc gia, xem đây là một chiến thuật để “có lợi thế” trong các cuộc đàm phán thương mại.

* Sau Huawei, Mỹ tiếp tục thêm nhiều công ty công nghệ của Trung Quốc vào danh sách đen

* Những điều cần biết về các công ty Trung Quốc vừa bị Mỹ đưa vào “danh sách đen”

“Ngay cả sau khi hai nhà lãnh đạo trao đổi qua điện thoại, bên Mỹ vẫn không ngừng các động thái gây khó dễ”, trích từ bài đăng này. “Thời điểm diễn ra hội nghị G20 ngày càng tới gần. Sớm thôi, chúng ta sẽ thấy kết quả”.

Vũ Hạo (Theo SCMP)

FiLi