Những điều cần biết về các công ty Trung Quốc vừa bị Mỹ đưa vào “danh sách đen”
Những điều cần biết về các công ty Trung Quốc vừa bị Mỹ đưa vào “danh sách đen”
Công ty đầu tiên bị Mỹ liệt vào “danh sách đen” chính là ông trùm ngành viễn thông Huawei Technologies. Hiện tại, các công ty chuyên về siêu máy tính của Trung Quốc đều đang thấp thỏm vì lọt vào “tầm ngắm” của Washington, sau khi Bộ Thương mại Mỹ thêm họ vào danh sách đen “Entity List” trong ngày thứ Sáu (21/06) vừa qua, động thái này của Mỹ khiến các công ty trên không được mua công nghệ từ Mỹ nữa.
Bộ Thương mại Mỹ cho biết họ đã thêm các công ty như Sugon, Viện Công nghệ Điện toán Vô tích Giang Nam, công ty Higon, công ty Mạch tích hợp Thành Đô Haiguang và công ty Công nghệ Ví điện tử Thành Đô Haiguang – cùng với đó là hàng loạt bí danh khác của năm công ty trên – vào danh sách các công ty phát triển những thiết bị đe dọa đến an ninh quốc gia.
* Sau Huawei, Mỹ tiếp tục thêm nhiều công ty công nghệ của Trung Quốc vào danh sách đen
Mỹ đưa ra động thái trên trước khi Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có cuộc gặp mặt tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 - dự kiến diễn ra tại Nhật Bản trong tuần này, trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc đang cạnh tranh quyết liệt với nhau hòng trở thành quốc gia đầu tiên sản xuất siêu máy tính Exascale, đây là thế hệ máy tính tiếp theo có khả năng tính toán trong một phần triệu tỷ - hoặc một phần tỷ tỷ trên một giây.
Siêu máy tính đã trở thành một biểu tượng của sức mạnh công nghệ vì nó có thể được áp dụng cho các lĩnh vực đặc biệt nhạy cảm khác như là phát triển vũ khí hạt nhân, mã hóa và phòng thủ tên lửa, cùng với nhiều lĩnh vực khác. Hiện tại, Mỹ đang sở hữu hai siêu máy tính nhanh nhất thế giới, theo sau Mỹ là siêu máy tính tự tạo đứng thứ ba thế giới của Trung Quốc.
“Lệnh cấm của Mỹ sẽ khiến Trung Quốc không thể chuyển sang siêu máy tính thế hệ tiếp theo, nhưng sẽ không thể kiềm hãm sự phát triển của quốc gia này khi các dự án siêu máy tính quan trọng của họ đang sử dụng các công nghệ và chip được sản xuất ngay tại Trung Quốc”, An Hong, Giáo sư Khoa học máy tính tại Đại học Khoa học và Công nghệ Trung Quốc ở thành phố Hợp Phì, thủ phủ tỉnh An Huy, phía Đông của Trung Quốc.
Những công ty nào bị liệt vào “Entity List” của Mỹ và vì sao những công ty đó lại quan trọng?
Công ty Sugon, tên chính thức là Dawing Information industry Co., là công ty đứng đầu Trung Quốc trong lĩnh vực điện toán hiệu năng cao (HPC), cung cấp máy chủ, dự trữ, điện toán đám mây và siêu dữ liệu.
Sugon là công ty đầu tiên có công đưa Trung Quốc vào top 3 quốc gia đứng đầu trong lĩnh vực siêu máy tính. Được Học viện Khoa học Trung Quốc hậu thuẫn, Sugon đứng đầu trong danh sách xếp hạng Top 100 công ty về HPC của Trung Quốc tính theo thị phần trong tám năm liên tiếp từ 2009 đến 2016, theo thông tin trên trang web của công ty.
Các siêu máy tính của Sugon hỗ trợ cho Tập đoàn Lưới điện Nhà nước của Trung Quốc, tập đoàn này có nhiệm vụ vận hành các lưới điện của Trung Quốc. Tập đoàn này còn hợp tác với công ty China Mobile, nhà cung cấp mạng không dây lớn nhất thế giới và công ty China Meteorological Administration. Công ty này còn cung cấp các trung tâm dữ liệu cho các công ty công nghệ cao, ví dụ như “ông lớn” thương mại điện tử JD.com và ByteDance, công ty mẹ của ứng dụng làm video ngắn “siêu hot” toàn thế giới TikTok.
Được thành lập vào năm 2016, Higon là công ty sản xuất vật liệu bán dẫn không chuyên, công ty này tập trung vào mảng thiết kế và bán các mạch tích hợp và chip xử lý máy chủ tiên tiến cho thị trường Trung Quốc. Năm 2016, Higon liên doanh với công ty sản xuất vật liệu bán dẫn Advanced micro Devices (AMD) của Mỹ để phát triển thêm về lĩnh vực chip xử lý máy chủ.
Phía Mỹ nhận định công ty Sugon là công ty sở hữu phần lớn cổ phần của công ty Higon. Mỹ còn cho rằng Higon có quyền sở hữu trong hai công ty Mạch tích hợp Thành Đô Haiguang và Công nghệ vi điện tử Thành Đô Haiguang.
Viện Công nghệ Điện toán Vô tích Giang Nam thuộc quyền sở hữu của Viện nghiên cứu thứ 56 của Bộ Tổng tham mưu Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc. Nhiệm vụ chính của Viện Công nghệ này, theo như Bộ Thương mại Mỹ cho biết, là “để hỗ trợ cho công cuộc hiện đại hóa quân đội Trung Quốc”. Viện Nghiên cứu Giang Nam được thành lập vào tháng 6/1951, là viện công nghệ điện toán tích hợp quy mô lớn đầu tiên kết hợp giữa khoa học máy tính và kỹ thuật.
Những công ty trên phản ứng như thế nào?
Công ty Sugon, vốn phụ thuộc rất nhiều vào chip được các công ty công nghệ Mỹ sản xuất, dự kiến phải hứng chịu đả kích rất lớn từ lệnh hạn chế xuất khẩu của Mỹ. Trong một bản báo cáo mà công ty Sugon nộp cho Sàn Giao dịch Chứng khoán Thượng Hải vào ngày thứ Hai (24/06), công ty này cho biết họ đã tạm ngưng giao dịch và sẽ quay trở lại giao dịch muộn nhất vào ngày 01/07/2019.
“Chúng tôi đã xác minh các nội dung có liên quan, đánh giá toàn bộ các tác động của lệnh cấm và đang trong quá trình chuẩn bị”, dựa theo bản báo cáo. “Chúng tôi sẽ chuẩn bị tốt và giữ vững mối quan hệ tích cực với các bên”.
Bốn công ty còn lại trong “Entity List” vẫn chưa có phản hồi.
“Entity List” là gì và nó sẽ có tác động như thế nào đến các siêu máy tính của Trung Quốc?
“Entity List” xác định các tổ chức và cá nhân được cho là có tham gia hoặc có nguy cơ tham gia vào các hoạt động trái với an ninh quốc gia hoặc lợi ích chính sách đối ngoại của Mỹ. Những tổ chức và cá nhân trong danh sách này phải có giấy phép của Mỹ mới được quyền mua bán, tái xuất khẩu hoặc chuyển giao phần mềm và các công nghệ khác từ các công ty Mỹ.
Năm 2015, Bộ Thương mại Mỹ đã đưa bốn tổ chức về siêu máy tính của Trung Quốc vào danh sách này, trong đó bao gồm Đại học Công nghệ Quốc phòng Trung Quốc (NUDT) “bởi vì trường đại học này đã sử dụng đa lõi, bo mạch và bộ (đồng) xử lý có nguồn gốc từ Mỹ để cung cấp năng lượng cho các siêu máy tính được cho là hỗ trợ các hoạt động mô phỏng các vụ nổ hạt nhân và mô phỏng các hoạt động quân sự”. Kể từ đó, NUDT, đơn vị phát triển hệ thống siêu máy tính Tianhe (Dải Ngân Hà) của Trung Quốc, đã mua các linh kiện từ Mỹ dưới một bí danh khác, dựa theo thông tin của Bộ Thương mại Mỹ.
Trung tâm Siêu máy tính Quốc gia tại Quảng Châu của Trung quốc, nơi vận hành siêu máy tính Tianhe-2, được xem là siêu máy tính nhanh nhất thế giới trong khoảng năm 2013-2015, cũng ở trong danh sách đen này.
Vậy quốc gia nào đang dẫn đầu trong cuộc đua tranh giành quyền thống trị bằng siêu máy tính?
Năm 2018, Trung Quốc đã đánh mất ngôi vị dẫn đầu thế giới trong lĩnh vực siêu máy tính để vị trí đầu tiên về siêu máy tính nhanh nhất rơi vào tay Mỹ, chấm dứt chuỗi “thắng” 5 năm liên tiếp của quốc gia này. Theo danh sách Top 500 mới nhất vừa được công bố vào đầu tháng 6/2019, Summit và Sierra, hai siêu máy tính được công ty IBM tạo ra, vẫn giữ vững hai vị trí đầu tiên của danh sách cho Mỹ, theo sau ở vị trí thứ ba và thứ tư lần lượt là Sunway Taihulight – siêu máy tính được đặt tại Vô Tích và Tianhe-2A – siêu máy tính ở Quảng Châu.
Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn tiếp tục giữ vị trí dẫn đầu về khoản quốc gia có số lượng hệ thống siêu máy tính được xếp hạng trong danh sách Top 500, danh sách này được công bố hai lần một năm. Trung Quốc dẫn đầu danh sách siêu máy tính với 219 hệ thống, hoặc tương đương chiếm 48.9% tổng số siêu máy tính, theo sau là Mỹ với 116 hệ thống được xếp hạng.
FiLi