KBSV: Rủi ro suy thoái xảy ra với kinh tế Mỹ chưa cao

KBSV: Rủi ro suy thoái xảy ra với kinh tế Mỹ chưa cao

CTCK KB Việt Nam (KBSV) nhận định, việc đường cong lãi suất đảo ngược là một hiện tượng nguy hiểm và Fed đang có những phản ứng chậm với vấn đề này. Đây có thể là “mồi lửa” cho sự lặp lại của một cuộc suy thoái kinh tế.

Trong báo cáo chuyên đề mới công bố gần đây, KBSV nhận định rằng, đã có rất nhiều bài học trong quá khứ khi Fed phớt lờ thị trường, dẫn tới suy thoái. Cụ thể, trước khi khủng hoảng 2008 xảy ra, Fed đã thực hiện quá trình nâng lãi suất với kì vọng lợi suất kì hạn dài tăng. Tuy nhiên lợi suất kì hạn dài lại giảm, khiến Fed không tìm được lời giải thích hợp lý.

Nước Mỹ sau đó bước vào suy thoái cuối năm 2007 với FFR vẫn ở mức cao 4.25%. Mặc dù Fed phản ứng cắt lãi suất mạnh mẽ sau đó nhưng cũng không cứu được Mỹ tránh khỏi cuộc suy thoái sâu, biến thành khủng hoảng. Một điều nhìn thấy được đó là Fed thắt chặt chính sách tiền tệ quá lâu và nới lỏng quá muộn.

KBSV đưa ra một số tín hiệu tương đồng ở thời điểm hiện tại so với cuộc khủng hoảng 2007-2008 ở Mỹ. Fed nâng lãi suất vào cuối năm 2018 nhưng lợi suất trái phiếu dài hạn lại tăng thoải dần. Dù Fed sau đó đã dừng nâng lãi suất và quay đầu giảm lãi suất 0.25% nhưng hành động này vẫn khá thận trọng và chưa đủ mức thỏa mãn thị trường, khiến lợi suất kì hạn 10 năm của Mỹ tiếp tục giảm. Đến khi hiện tượng đường cong đảo ngược xuất hiện trở lại thì rõ ràng Fed đang bị tụt lại đằng sau thay vì đi trước thị trường.

Fed buộc phải giảm lãi suất và có thể giảm ít nhất 2 lần trong năm nay

KBSV cho rằng Fed khó thể tránh khỏi xu hướng lãi suất thấp, thậm chí là âm trên toàn cầu. Sức ép từ tìm kiếm chênh lệch lợi nhuận lớn sẽ đẩy chênh lệch lợi suất trái phiếu giữa Mỹ và các nước khác thu hẹp dần, và cuối cùng sẽ kéo lợi suất trái phiếu dài hạn của Mỹ xuống. Ngoài ra, thị trường tài chính hiện đã trở nên quá lớn khiến cho diễn biến thị trường tài chính có thể đang tạo khoảng cách với nền kinh tế. Trong một môi trường toàn cầu, dù kinh tế Mỹ không cho thấy dấu hiệu suy thoái rõ rệt nhưng Fed không còn lựa chọn nào khác ngoài buộc phải cắt giảm lãi suất bởi những xáo trộn mạnh mẽ của thị trường tài chính sẽ để lại những hậu quả khôn lường đến nền kinh tế.

Theo đánh giá của KBSV, để đường cong lợi suất giữ được 1 biên độ an toàn, tránh xuất hiện các “nhịp đảo ngược”, Fed cần cắt giảm lãi suất mạnh tay hơn nữa (có thể phải 4 lần nữa - tương đương mức giảm thêm 1% để kéo FFR xuống 1.125%, so với mức 1.6% của lợi suất kỳ hạn 10 năm hiện tại) để đáp ứng kỳ vọng cũng như tạo dựng niềm tin cho thị trường.

Nếu suy thoái diễn ra thì độ trễ sẽ dài hơn so với trong quá khứ

Theo KBSV, suy thoái kinh tế Mỹ lần này có thể xảy ra nếu Fed tiếp tục “chậm nhịp” và một số rủi ro, đặc biệt là chiến tranh thương mại, tiếp tục gia tăng áp lực lên tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, nhìn chung KBSV cho rằng độ trễ tính từ thời điểm xuất hiện hiện tượng “đảo ngược” đến khi thực sự xảy ra suy thoái kinh tế sẽ được kéo dài hơn, dựa trên hai lí do:

Thứ nhất, hiện tượng “đảo ngược” lần này, ngoài tâm lý bi quan của thị trường, còn do kỳ vọng vào khả năng cắt giảm lãi suất của Fed. Bởi vậy, khi Fed hành động, điều chỉnh giảm lãi suất “đủ liều” mà thị trường kỳ vọng, thì lợi suất trái phiếu kì hạn dài sẽ giảm chậm lại và thậm chí có thể xuất hiện những nhịp hồi ngắn. Khi đó hiện tượng lợi suất đảo ngược sẽ tạm thời được giải quyết, từ đó giúp trấn an tâm lý thị trường.

Thứ hai, KBSV cũng cho rằng các chương trình QE và xu hướng săn tìm lợi suất cao đã dẫn đến mức lợi suất trái phiếu dài hạn của Mỹ đang ở mức thấp hơn tương đối. Hiện tượng đảo ngược có thể đã xảy ra sớm hơn vốn có, đồng nghĩa với việc chỉ báo về khả năng xảy ra suy thoái kinh tế lần này đã xuất hiện sớm hơn. Bởi vậy, độ trễ đến khi suy thoái kinh tế sẽ có thể kéo dài hơn.

Rủi ro suy thoái xảy ra với kinh tế Mỹ chưa cao trong 2019-2020

Dù quan sát thấy nền kinh tế Mỹ có sự giảm tốc trong tăng trưởng, KBSV chưa nhận thấy tín hiệu cho thấy cuộc suy thoái đang đến gần. Khu vực tiêu dùng vẫn cho thấy sự ổn định và bền vững. Cụ thể, tăng trưởng doanh số bán lẻ (chiếm 43% cấu phần của tiêu dùng) vẫn rất tích cực, tăng 0.7% m/m trong tháng 7/2019 và đạt 3.1% so với cùng kỳ 2018. Tăng trưởng mạnh mẽ của khu vực tiêu dùng - nền tảng của kinh tế Mỹ (chiếm 2/3 GDP), sẽ bù đắp cho những áp lực từ phần còn lại của nền kinh tế, qua đó, giúp kinh tế Mỹ vẫn có thể đạt tăng trưởng khả quan trong năm nay.

Như vậy, khả năng lớn suy thoái của kinh tế Mỹ, nếu xảy ra, sẽ đến từ phần còn lại của thế giới. Quá trình toàn cầu hóa khiến sự tương tác và phụ thuộc giữa các nước tăng lên và mang tới rủi ro cho Mỹ. KBSV cho rằng “chất bán dẫn” quan trọng sẽ là đồng Dollar. Kinh tế Mỹ nổi trội so với các nước khác cùng với chênh lệch lợi suất giữa trái phiếu Mỹ và các nước phát triển khác (đặc biệt là EU), sẽ khiến cho đồng Dollar mạnh lên. Điều này sẽ tác động tiêu cực lên lợi nhuận của các doanh nghiệp Mỹ cùng với việc giảm tính cạnh tranh của các doanh nghiệp xuất khẩu nước này, khiến kinh tế Mỹ giảm sút. Tuy nhiên, cũng cần phải lưu ý, trong lịch sử, chưa có những trường hợp mà yếu tố toàn cầu gây áp lực đẩy Mỹ rơi vào suy thoái.

Vậy, câu hỏi lớn đặt ra hiện tại là suy thoái sẽ xuất phát từ nước nào? KBSV có phần quan ngại đối với kinh tế Trung Quốc với những tín hiệu suy giảm tăng trưởng và thu hẹp tín dụng của Trung Quốc. Tuy nhiên những tín hiệu này chưa đủ mức độ rõ ràng để nhận định thành một xu hướng kéo dài. Dù thừa nhận kinh tế thế giới đang ở trong giai đoạn khó khăn, KBSV cho rằng những chính sách nới lỏng tiền tệ sắp tới từ phía EU, Trung Quốc và Mỹ sẽ kéo dài chu kì hồi phục, ít nhất là hết năm 2020. Khi đó, tâm lý thị trường trái phiếu sẽ có sự phục hồi nhất định, thay vì ở trạng thái cực đoan như hiện tại.

Đông Phong

FILI